Đó là thông tin được ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa tổ chức tại Hà Nội.
Lợn ăn chất cấm sẽ chết sau 15 ngày
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, từ năm 2015 đến tháng 2.2016, các địa phương và Cục Chăn nuôi đã kiểm tra 1.893 cơ sở, phát hiện 58 cơ sở có vi phạm chất cấm. Trong 1.239 mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) thì có 17 mẫu vi phạm chất cấm, 257/3.972 mẫu nước tiểu lợn vi phạm chất cấm, 12/451 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm.
Lực lượng chuyên ngành kiểm tra chất cấm trong thịt lợn ở chợ Phùng Khoang (Hà Nội). Ảnh: A.N
PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết: “Các chất thuộc họ B-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Metoprolol…) được một số cơ sở, người dân thêm vào TĂCN để làm tăng tỷ lệ nạc/mỡ, làm thịt tươi ngon. Đối với gia súc khi ăn các chất cấm này sẽ chết sau 15 ngày, do đó các hộ nuôi thường sử dụng các chất cấm trên khi gia súc gần đến ngày xuất chuồng. Người ăn phải thịt có chứa các chất này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu nặng có thể gây ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng như rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, sảy thai...”.
Theo điều tra của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y T.Ư 1 được thực hiện tại 16 tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2015, tình hình sử dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi chưa được quản lý chặt chẽ; thực trạng quản lý thuốc thú y cũng còn hạn chế, người chăn nuôi hầu hết tự chọn thuốc, tự quyết định liều lượng, tự phối trộn cho gia súc của mình.
Triệt phá nhiều cơ sở buôn bán chất cấm
Ngay trong những tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ NNPTNT đã phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an tổ chức thanh tra đột xuất, qua đó đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 11 công ty lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi. Đơn cử như vụ PC49 tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, bắt giữ 6 tấn TĂCN của Công ty Thiên Nam (Bắc Ninh) được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng, có chứa Salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần. Cục Thú y cũng chỉ đạo các chi cục địa phương lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, kết quả phát hiện 3 mẫu thịt (0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.
TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền hiện nay đang là yêu cầu đặt ra hàng đầu, có tính quyết định rất cao để tất cả mọi người nhận thức rõ việc sử dụng quá nhiều kháng sinh trong chăn nuôi là ảnh hưởng tới sức khỏe, vi phạm các quy định của nhà nước, yêu cầu phải sử dụng đúng quy định; nâng cao trách nhiệm cơ quan chức năng từ T.Ư xuống địa phương trong việc tăng cường quản lý vấn đề này”.
Với những biện pháp và động thái quyết liệt đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ triệt tiêu được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
TS Hoàng Thanh Vân – Cục Trưởng cục Chăn nuôi: Tiến tới không dùng kháng sinh trong chăn nuôi Phương thức tốt nhất giảm lượng kháng sinh, không sử dụng chất cấm là quản lý tốt quy trình chăn nuôi, từ khâu sản xuất giống, chuồng trại, ánh sáng, nhiệt độ, nước uống và quy trình chăn nuôi được quản lý theo VietGAP. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các loại kháng sinh, dần dần tiến tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản: Ảnh hưởng sức khỏe và mất niềm tin Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép trong chăn nuôi, thủy sản nuôi tăng so với 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh đã đến mức báo động. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Việt Nam. |