Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí Sleep, Erin Hanlon, trưởng nhóm nghiên cứu ở trường đại học Chicago đã mời 14 người cả nam và nữ trong độ tuổi hai mươi tham gia nghiên cứu 2 lần, mỗi lần kéo dài bốn ngày tại trung tâm nghiên cứu lâm sàng của trường đại học Chicago.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát giờ giấc ngủ của những người tham gia, lần thứ nhất họ được ngủ trung bình 7,5 tiếng mỗi đêm, nhưng lần thứ 2 chỉ là 4 tiếng 11 phút mỗi đêm. Trong thời gian nghiên cứu, những người tham gia đã ăn những bữa ăn giống nhau, lúc 9h, 14h và 19h.
2 giờ sau khi ăn một bữa chứa 90% lượng calo tiêu thụ hằng ngày, những người tham gia nghiên cứu đã ăn đồ ăn nhẹ giàu chất béo (Ảnh minh họa)
Sau đêm thứ tư của mỗi lần nghiên cứu, những người tham gia đã được ăn nhiều món ăn nhẹ. Việc thiếu ngủ thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêu thụ các đồ ăn giàu chất béo, đặc biệt là vào cuối buổi chiều và buổi tối, khi ăn vặt dễ gây tăng cân nhất.
Họ say sưa ăn những đồ ăn chứa nhiều chất béo ngay cả khi họ đã ăn một bữa ăn có chứa 90% lượng calo tiêu thụ hằng ngày chỉ mới hai giờ trước đó. Thông thường, những người tham gia khi thiếu ngủ đã nạp vào 300 calo có trong đồ ăn nhẹ, lượng calo này vượt quá lượng calo được tiêu thụ trong thời gian họ thức.
Để tìm hiểu sâu hơn lý do tại sao mất ngủ có thể gây ra những thói quen ăn uống không lành mạnh, các nhà khoa học đã kiểm tra các chất khác nhau trong máu của những người tham gia nghiên cứu, trong đó có chất ghrelin - giúp tăng cảm giác ngon miệng, và leptin - chất báo cho não biết khi nào dạ dày đã đầy. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mất ngủ luôn đi cùng với mức ghrelin cao và leptin thấp.
Tuy nhiên, Hanlon đã nghiên cứu các mức độ của hóa chất có tên là endocannabinoids, và nhận thấy khi thiếu ngủ, những người tham gia có mức endocannabinoid 2-AG cao hơn. Chất này là 1 loại hóa chất thúc đẩy sự thèm ăn, nhất là đồ ăn giàu chất béo ngọt hoặc mặn.
Hanlon cho biết: "Chúng ta biết rằng cần sa kích thích hệ thống endocannabinoid và khiến cho người ta ăn nhiều khi họ không đói, thường là đồ ăn ngọt và giàu chất béo. Việc ngủ ít có thể dẫn đến ăn quá nhiều bởi nó có cơ chế hoạt động tương tự”.
Ở những người tham gia nghiên cứu được nghỉ ngơi đầy đủ, mức độ 2-AG tăng vào buổi sáng, đạt đỉnh điểm khoảng giữa trưa, và sau đó lại giảm. Nhưng đối với những người thiếu ngủ, mức tăng lại cao hơn 33%, đạt mức cao nhất lúc 2 giờ chiều, và vẫn ở mức cao cho đến tận lúc 9 giờ tối. Trên tạp chí, Hanlon cho rằng điều này có thể làm tăng và kéo dài sự thèm ăn đồ ăn vặt, dẫn đến nguy cơ tăng cân nhiều hơn: "Vào lúc chiều sớm, việc nạp vào những đồ ăn để thỏa mãn cơn thèm ăn có thể mạnh mẽ hơn và lâu hơn để bù lại cho việc thiếu ngủ”.
Trong một bài bình luận đăng cùng với báo cáo, Frank Scheer, giám đốc y khoa tại bệnh viện Brigham & Women ở Boston cho biết những phát hiện mới là "bằng chứng thuyết phục" chứng minh rằng endocannabinoids và cơ chế dung nạp thức ăn dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân có quan hệ mật thiết với việc thiếu ngủ. Kết quả của báo cáo cho thấy khả năng sản xuất được thuốc chống béo phì dựa vào hoạt động của chất endocannabinoids sẽ tăng lên, nhưng ông cảnh báo rằng cần phải "xem xét cẩn thận" bởi nó có nguy cơ gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Lại một lần nữa nghiên cứu đã chứng minh rằng việc mất ngủ làm tăng nguy cơ béo phì, nhưng nguyên nhân lại rất phức tạp và không rõ ràng. Ngủ không đủ giấc sẽ phá vỡ hoóc môn chi phối cảm giác ngon miệng và no. Tuy nhiên, những người ngủ ít hơn có nhiều thời gian để ăn, và có lẽ họ mệt mỏi đến mức không thể tập thể dục. Hơn nữa, béo phì có thể dẫn đến tình trạng khó thở, và chính điều này làm gián đoạn giấc ngủ.