Dân Việt

Người gốc Việt ở Canada có tên trong "Hồ sơ Panama"

Theo Anh Ngọc 06/04/2016 11:41 GMT+7
Eric Van Nguyen, một nhà đầu tư cổ phiếu gốc Việt, bị nêu tên trong các tài liệu của "Hồ sơ Panama" về hành vi trốn thuế.

Tờ Toronto Star dẫn tài liệu của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho hay trong "Hồ sơ Panama" có một người Canada là Nguyen. Hiện chưa thể liên lạc với người này. 

img

Hàng loạt nhân vật tiếng tăm từ hàng chục quốc gia trên thế giới bị nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”. Ảnh: eoinhiggins

Journal de Montreal cho biết Nguyen, 32 tuổi, sống ở thành phố Montreal. Anh này cùng 7 người khác từng bị truy tố ở New York, Mỹ, năm 2014 vì cấu kết lừa đảo các nhà đầu tư 290 triệu USD thông qua việc mua các cổ phiếu vô giá trị. 

"Hồ sơ Panama" là 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Panama Mossack Fonseca, trong đó hé lộ hơn 130 người giàu có và quyền lực che giấu tài sản bằng các tài khoản ở nước ngoài nhằm trốn thuế và rửa tiền.

Canada hồi đầu tuần đã tìm cách có được một bản sao của "Hồ sơ Panama" về hành vi trốn thuế. Nước này đang theo dõi sát sao các trường hợp công dân bị phát hiện thành lập công ty ở nước ngoài tại Panama cũng như những nơi khác và sẽ chuyển cho cơ quan công tố khi cần thiết, phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngân khố Quốc gia Diane Lebouthillier cho hay.

"Bộ trưởng Ngân khố Quốc gia đã chỉ đạo giới chức Cục Thuế Canada thu thập dữ liệu bị rò rỉ qua Hồ sơ Panama", ông Chloe Luciani-Girouard nói.

Ngân hàng Hoàng gia Canada RBC, ngân hàng lớn nhất nước, và các công ty con bị cho là dính líu tới 378 công ty ma đăng ký trong dữ liệu của Mossack Fonseca. RBC cho hay đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp sau khi bị nhắc tên trong những tài liệu trên.

Tuy nhiên, phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cho rằng "tại thời điểm này, chúng tôi không có lý do gì để tin rằng các ngân hàng Canada hoạt động trái phép". 

Chính phủ Canada tháng trước cam kết đầu tư 345 triệu USD trong 5 năm để thu thập thêm thông tin về hành vi trốn thuế. Từ tháng 1/2015, Canada đã giám sát toàn bộ những giao dịch chuyển khoản trị giá hơn 10.000 CAD (7.600 USD), trong đó có những giao dịch từ Panama, ông Luciani-Girouard cho hay.