Dân Việt

Bánh trôi, bánh chay ba miền trong Tết Hàn thực

Huyền Phương (tổng hợp) 07/04/2016 10:28 GMT+7
Hằng năm, cứ vào tiết Thanh minh, sau khi đi tảo mộ đầu năm, người Việt lại có thêm một cái tết (sau Tết Nguyên đán), đó là Tết bánh trôi, bánh chay, còn gọi là Tết Hàn thực. Và ở mỗi vùng lại có một cách đón “Tết” khác nhau.

Trong quan niệm dân gian, mặc dù Hàn thực bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi về đến Việt Nam thì Tết này lại mang sắc thái đặc trưng riêng của người Việt.

Người Việt làm bánh trôi, bánh chay, trước là để dâng cúng ông bà, tổ tiên với tấm lòng thành kính, sau là để con cháu có dịp thưởng thức hương vị món bánh truyền thống – sản vật của một đất nước nông nghiệp.

img

Bánh trôi, bánh chay là những món ăn đặc trưng trong Tết Hàn thực của người Việt (ảnh: Khám phá).

Vào ngày Tết bánh trôi, bánh chay, hầu như trong bất cứ gia đình nào của người Việt, tùy theo điều kiện nhưng đều có chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để bày mâm, cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Đây cũng là một dịp để những người con phương xa trở về bản quán, trước là tảo mộ, sau là sum vầy bên gia đình, được thưởng thức hương vị món bánh truyền thống từ những sản vật của quê hương.

Vẫn là với 2 món bánh trôi, bánh chay truyền thống ấy, nhưng ở mỗi vùng miền lại có những tên gọi và cách chế biến khác nhau. Đặc trưng chung của các loại bánh này đều không thể thiếu vị bùi bùi của đỗ xanh, ngọt dịu của đường phên, mật và hương thơm, độ dẻo của gạo nếp. Gạo nếp phải có pha thêm chút gạo tẻ đem xay thành bột rồi trộn lại, vê thành hình thì bánh mới ngon.

Miền Bắc, miền Trung

Bánh trôi, bánh chay truyền thống xuất hiện ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung.

Bánh trôi truyền thống được làm từ bột nước, thấm trên một lượt vải của thúng tro bếp (loại tro từ đun rơm, rạ), rồi nặn tròn thành từng viên nhỏ, ở giữa bọc với đường phên, thả luộc trong nước sôi. Khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra là vừa chín tới, bày ngay lên đĩa cho khỏi dính bánh; có thể rắc thêm vừng rang chín, hay dừa nạo bày lên cho đẹp rồi thưởng thức.

img

Bánh trôi - món bánh truyền thống (Ảnh: Internet)

Làm bánh chay có phần cầu kỳ hơn. Vê bột nặn thành hình tròn dẹt cỡ bằng chôn bát, không nhân (hoặc có nhân đậu, đường…) rồi thả luộc trong nồi nước đang sôi; Bánh chín, vớt ra bày trên bát nhỏ. Đun nước đường hòa thêm chút bột sắn dây ướp hương hoa bưởi thanh mát, chan vào bát bánh chay, bên trên rắc thêm chút vừng, dừa bào sợi, hoặc đậu xanh tùy theo người dùng. Cầu kỳ hơn thì thêm vài giọt dầu thơm (loại dầu thực phẩm - va ni). Ảnh 3: Bánh trôi được đưa ra đĩa nhỏ, rắc vừng lên trên (Ảnh: Internet)

Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... người dân thường chỉ làm bánh trôi, ít gia đình làm bánh chay, hay nấu chè.

Tại Cao Bằng, Lạng Sơn, người dân thường cúng Tết Hàn thực bằng loại bánh có tên Coóng phù, có cách làm giống bánh trôi ở đồng bằng Bắc bộ, nhưng khi ăn lại có hương vị giống bánh chay. Bánh Coóng phù khác bánh chay là có vị gừng và ăn nóng mới ngon.

img

Bánh Coóng Phù (Ảnh: Afamily.vn)

Bánh Coong Phù của người Tày khi ăn chan với nước mật mía đun nóng cùng với gừng dập nhỏ.

Miền Nam

Khác với các tỉnh phía Bắc và miền Trung, người dân Nam bộ chỉ làm chè trôi nước, không làm bánh trôi, bánh chay. Chè trôi nước kiểu miền Nam có nhiều đặc điểm giống bánh chay của miền Bắc về nguyên liệu, hượng vị. Nhưng bánh trôi nước giữ nguyên hình dạng viên tròn, khác với bánh chay truyền thống là sau khi nặn xong bị ấn dẹt ở giữa.

img

Món chè trôi nước ở Nam bộ (Nguồn: Internet)

Chè trôi nước ở miền Nam ăn cùng với nước đường đun cùng gừng, nhưng rưới lên trên nước cốt dừa để tăng độ béo ngậy.Tuy mỗi miền một khác, tuy nhiên bánh trôi, bánh chay vẫn là một nét truyền thống độc đáo của dân tộc Việt. Cùng người thân sum họp, thưởng thức món bánh truyền thống này, cùng nhau ôn lại chuyện xưa như là một cách để gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của cư dân Việt.