Cách đây nửa tháng, trong bài “VFF bất lực trước bầu Hiển – “Kẽ hở” của luật hay “điểm mờ” lương tâm?”, Dân Việt đã phản ánh chuyện bầu Hiển từ chỗ “1 ông chủ - 2 đội bóng”, giờ đã mở rộng hơn, thành “1 ông chủ - 4 đội bóng”. Không nói ra nhưng trong suy nghĩ của “cả làng” bóng đá nước nhà đều hiểu ông Hiển có tầm ảnh hưởng, uy quyền như thế nào ở 4 đội V.League: Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng, QNK.Quảng Nam và CLB bóng đá Hà Nội (mới đổi tên thành CLB bóng đá Sài Gòn). Chỉ thế thôi đã cho thấy, thật khó tìm thấy sự công bằng, trong sạch ở V.League.
Việc CLB bóng đá Hà Nội chuyển trụ sở, đổi tên thành công đã gây ra những bất ổn ở V.League 2016. Ảnh: I.T.
Thế mà đã hết đâu, mới đây, VFF, VPF tiếp tục đồng thuận cho CLB bóng đá Hà Nội chuyển tên thành CLB bóng đá Sài Gòn, đồng thời chuyển trụ sở vào TP.HCM, đăng ký sân Thống Nhất làm sân nhà. Những tiếng nói bày tỏ sự không ủng hộ Hà Nội “nam tiến” như của ông Cao Văn Chóng – Tổng Giám đốc VPF sao mà quá ít ỏi (?!).
Ở đây, phải thấy rõ việc Hà Nội chuyển trụ sở và sân thi đấu vào TP.HCM đã khiến lịch thi đấu V.League bị “lộn tùng phèo”. Những nguyên tắc bốc thăm cố gắng bảo đảm sự công bằng của Ban tổ chức giải từ đầu mùa bỗng nhiên bị phá vỡ! Kế hoạch tập luyện, thi đấu, tài chính… của các đội bóng khác bỗng nhiên bị ảnh hưởng. Vậy mà sao tất cả lại im lặng, không ai dám lên tiếng phản ứng, lạ chưa (?!).
Cụ thể, chỉ xét về hành trình di chuyển, theo thống kê sơ bộ của Dân Việt, việc Hà Nội đổi tên, chuyển trụ sở, chuyển sân đã gây ra cảnh “kẻ khóc, người cười”, đặc biệt ở giai đoạn lượt về, những vòng đấu cuối V.League có ý nghĩa xác định đội rớt hạng, tranh ngôi vô địch.
Đầu tiên, chính Hà Nội T&T là đội gặp bất lợi. Sau chuyến làm khách của Quảng Nam vòng 22, thay vì được trở về nhà, họ lại phải bay tiếp đi TP.HCM đá “derby” với Sài Gòn vòng 23. Sau đó mới bay về Hàng Đẫy tiếp S.Khánh Hòa (vòng 24). Một đội bóng khác là Hải Phòng cũng chịu thiệt. Sau khi làm khách của HAGL vòng 15, Hải Phòng phải bay đi TP.HCM gặp Sài Gòn vòng 16, rồi lại lộn ngược về Lạch Tray tiếp SHB.Đà Nẵng vòng 17. FLC.Thanh Hóa cũng là nạn nhân khi họ tiếp SLNA vòng 9, rồi bay đi TP.HCM gặp Sài Gòn vòng 10, sau đó trở về xứ Thanh đấu bù với Đồng Tháp (18.5), trước khi tiếp Hải Phòng (22.5) ở vòng 11. SLNA ngân sách eo hẹp, bình thường có thể đi ô tô ra Hà Nội, giờ phải di chuyển bằng máy bay đi TP.HCM. Sau vòng 14 tiếp Than Quảng Ninh, họ phải bay đi TP.HCM đá vòng 15 với Sài Gòn, sau đó lại lộn về Vinh tiếp S.Khánh Hòa vòng 16.
Tất nhiên, bên cạnh những đội bị “tai bay vạ gió” vì quyết định chuyển tên, chuyển trụ sở của Hà Nội, thì cũng có những đội tự nhiên được hưởng lợi. Ví dụ như Than Quảng Ninh sau khi làm khách của Đồng Tháp (vòng 19), đáng ra phải bay ra Hà Nội đá vòng 20, thì nay chỉ phải di chuyển về TP.HCM, rồi sau đó trở về nhà tiếp Quảng Nam vòng 21. Đồng Tháp cũng vậy, sau khi làm khách của HAGL vòng 24, đáng ra phải bay ra Hà Nội đá vòng 25, nay lại bay về TP.HCM đá, trước khi di chuyển về Cao Lãnh tiếp SHB.Đà Nẵng vòng 26.
Đương kim vô địch Bình Dương xem ra là đội được lợi nhất ở giai đoạn cuối mùa. Sau khi tiếp Đồng Tháp vòng 21, thay vì đi Hà Nội, họ chỉ việc hành quân xuống TP.HCM đá vòng 22 rồi trở về nhà tiếp Long An vòng 23.
Sáng 7.4, Dân Việt đã mang những vấn đề nêu trên trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thanh - Ủy viên Ban chấp hành VFF, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi cũng như nhiều đội bóng khác, khi VFF, VPF, Ban tổ chức giải đã có quyết định rồi thì phải chấp nhận. Nếu VFF, VPF làm sai thì đã có Tổng cục TDTT can thiệp. Còn về phía đội bóng SLNA, chúng tôi cũng chịu thiệt chứ. Di chuyển ra Hà Nội thì đỡ tốn kém hơn là đi TP.HCM, rồi cả điều kiện thời tiết, sân bãi nữa… Chúng tôi thấy họ di chuyển được cả 1 đội bóng từ Hà Nội vào TP.HCM thì không hề đơn giản đâu…”.