Bệnh lây rất nhanh và nguy hiểm
Đầu tháng 6.2011, các cơ sở y tế thuộc huyện Tuần Giáo và Than Uyên đã khám và điều trị cho hơn 40 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn từ gia súc với những triệu chứng của bệnh than như thân thể lở loét, nhiều vết thâm đen, sốt cao… Các bác sĩ kết luận bệnh than đang phát triển tại những địa bàn này. Các bệnh nhân đều có liên quan đến nhau như chung một nhà, một bản; có sự giao tiếp thường xuyên, gần gũi hoặc chung một cơ sở làm việc…
Được biết, đầu tháng 6.2011, tại bản Nam (Ta Gia, Than Uyên, Lai Châu), bà con bắt được một con ngựa từ nơi khác đến, sau 4-5 ngày vẫn không có ai đến nhận, con ngựa lại có triệu chứng bỏ ăn, "tiếc của" nên những hộ trong bản đã bàn nhau mổ thịt ngựa ăn.
Sau 3 ngày ăn phải thịt ngựa mắc bệnh, anh Tòng Văn Son ở bản Nam là người đầu tiên thấy trên tay có nhiều vết loét màu đen và sốt cao. Những ngày tiếp theo 6 người tham gia mổ hoặc ăn thịt ngựa cũng có biểu hiện giống anh Son. Đến ngày 9.6 thêm 3 bệnh nhân ở các bản lân cận trong xã: Bản Nam, bản Củng, bản Khen cũng có những biểu hiện trên.
Ngày 23, 24.6, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên lại tiếp nhận thêm 2 ca bệnh là anh Tòng Văn Sinh ở khu 9 (thị trấn Than Uyên) và Lò Văn Pỏ ở bản Đông (xã Phúc Than). Trước đó mấy ngày, 2 bệnh nhân là người mổ trâu thuê cho lò mổ Sỹ Phương ở khu 10 (thị trấn Than Uyên) cùng mổ 1 con trâu đang bị ốm.
Ngày 22.6, anh Pỏ xuất hiện những nốt bỏng màu đen ở nếp lằn khuỷu tay phải nhưng do không ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh nên đến sáng ngày 24.6 anh Pỏ mới đến Trung tâm Y tế huyện khám. Tại đây, anh Pỏ cũng được điều trị và tiêm vaccin liều cao theo phác đồ điều trị của bệnh than nhưng do nhập viện muộn nên rạng sáng ngày 25.6 anh Pỏ đã tử vong.
Phòng, chống phải triệt để
Nhận được tin báo về tình hình phát triển của bệnh than, đội y tế dự phòng các huyện Tuần Giáo, Than Uyên đã phối hợp với Trạm thú y huyện, y tế thôn bản thành lập các tổ điều tra, xác minh nguyên nhân gây bệnh; huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc chống dịch, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh.
Tiến hành khử khuẩn tại khu vực mổ và chế biến gia súc, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc ở các bản thuộc xã Ta Gia. Đến nay, các trường hợp bị nhiễm bệnh than đã được điều trị theo phác đồ của bệnh và đã hồi phục, trở về nhà. Tuy vậy, nguồn gốc gây bệnh vẫn đang được điều tra để xử lý triệt để.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết: Bệnh than là một loại bệnh nguy hiểm do mức độ lây lan rất nhanh và do tính chất sinh hoạt cộng đồng của đồng bào vùng cao nên khả năng lây bệnh càng lớn. "Vì vậy, đồng thời với việc khoanh vùng, dập dịch, phun thuốc khử trùng... chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về bệnh than và cách phòng, chống hiệu quả" - ông Huấn nói.
Kiều Thiện