Dân Việt

Chính sách nhiều, sao dân “vẫn ngoài cuộc?”

Thanh Xuân 10/04/2016 07:15 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng đến nay, đa phần các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại, nông dân chưa tiếp cận được.

Thưa ông, Chính phủ đã có nhiều chính sách tín dụng dành cho khu vực tam nông, nhưng nhân dân, chủ trang trại vẫn kêu không vay được vốn. Ông có thể cho biết vì sao?

- Đúng là Chính phủ có rất nhiều chính sách tín dụng dành cho tam nông như hỗ trợ tín dụng thu mua tạm trữ lúa gạo; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ gia đình vay đầu tư máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch...

Đặc biệt, với Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định HTX có thể được vay tối đa 3 tỷ đồng không cần thế chấp. Tuy nhiên, các HTX vẫn khó tiếp cận được vốn từ các chính sách này vì thủ tục nhiêu khê. Không có chính sách thì HTX không phát triển được nhưng có chính sách mà không tiếp cận được thì cũng bằng không.

img

Chưa có HTX, chủ trang trại nào được vay tín chấp tối đa 3 tỷ đồng (sản xuất chanh không hạt tại HTX Nông nghiệp Châu Thành, Hậu Giang). Ảnh: T.X

Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ  25.7.2015, nhưng theo thống kê của chúng tôi, chưa có HTX nào được vay vốn tối đa 3 tỷ đồng bằng hình thức tín chấp”.

TS Lê Đức Thịnh

Ông có thể nói rõ hơn?

- Nghị định 55 quy định cho vay không tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại đề nghị các đối tượng vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để nếu có vấn đề gì thì ngân hàng cũng sẽ phát mại tài sản đó. Cái khó hiện nay là có tới  26% HTX có trụ sở, nhưng trụ sở đó đất nhà nước giao nên kể cả có sổ đỏ cũng không thế chấp được.

Ngay cả khi nông dân có đất đai, có sổ đỏ nhưng các tổ chức tín dụng cũng định giá rất thấp, nên lượng vốn vay được chưa tương xứng với nhu cầu của họ, thưa ông?

- Đúng như thế, thậm chí có chủ trang trại còn “bất mãn” không muốn vay ngân hàng vì họ cho rằng chỉ vay được một khoản vốn rất nhỏ so với nhu cầu, nhưng lại phải làm rất nhiều thủ tục. Thực tế, khi định giá tài sản, ngân hàng chỉ căn cứ trên giá trị đất chứ không tính giá trị đầu tư, hoặc định giá rất rẻ, vì sợ rủi ro.

Đất lúa ở ĐBSCL, với 1ha theo giá thị trường, loại thấp nhất cũng bán được gần 2 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ định giá theo giá đất nông nghiệp là 300 triệu đồng và cho vay 70% giá trị, tức khoảng 200 triệu đồng. Như vậy, bà con chỉ vay được 10% giá trị tài sản là quá thấp.

Vậy theo ông cần có giải pháp gì để nguồn tín dụng chảy về tam nông?

- Tôi cho rằng, Chính phủ phải bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay tam nông. Trong đó phương thức tốt nhất là cho vay hỗ trợ theo lãi suất, và rất cần dành một gói tín dụng cố định. Ví dụ như gói 30.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội. Từ đó, giao cho các ngân hàng thương mại. Nếu không, ít nhất cũng phải có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp thì nông dân mới tiếp cận được vốn.

Bởi thực tế, cho vay nông nghiệp rủi ro rất cao. Chúng tôi đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, trong đó mức cho vay hỗ trợ trang trại tối đa 10 tỷ đồng, hy vọng sẽ mở ra những giải pháp khơi thông vốn cho khu vực tam nông, đặc biệt là cho các chủ trang trại.

Xin cảm ơn ông!