3 khủng hoảng
Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT), với mô hình tổ chức lễ hội đền Trần như hiện nay đã lâm vào mức độ “khủng hoảng” cần giải quyết. Đó là khủng hoảng trong nhận thức của người dân về giá trị chiếc ấn đền Trần không đúng với thực chất của nó; khủng hoảng về hình ảnh bởi phương án tổ chức chưa đáp ứng được số lượng người tham dự, chưa lường hết các rủi ro khi tổ chức một sự kiện có quá đông người tham dự, chưa có những chiến dịch truyền thông hiệu quả; khủng hoảng về chiến lược tổ chức một sự kiện văn hóa, khi chúng ta quá kỳ vọng vào nó trong khi điều kiện tổ chức sự kiện còn hạn chế.
Chen lấn ở lễ hội đền Trần 2011. |
Đây cũng là lý do xây dựng đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Theo PGS-TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng, đề án đưa ra 2 phương án: Chỉ khai ấn chứ không phát ấn và khai ấn như thường lệ, phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2, 3 ngày trên cơ sở thực hiện thật tốt các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường.
Nếu làm theo phương án 1, mọi việc sẽ “nhẹ khỏe” hơn nhiều. Còn nếu theo phương án 2, PGS Quang đưa ra một số định hướng. Theo đó, sẽ tổ chức phát ấn theo nguyên tắc phân luồng với hai cửa vào ra và hệ thống hàng rào “dích dắc” trong thời gian từ 7 giờ sáng 15 tháng Giêng đến 18 giờ ngày 16 tháng Giêng. Mỗi cá nhân chỉ được tối đa 2 ấn và lễ tạ hay công đức tùy tâm vào các hòm công đức đặt tại các nơi quy định chứ không phát ấn và công đức tại một địa điểm.
Phát hay không phát?
Xoay quanh đề án trên, cùng với việc nhìn nhận thực trạng lễ hội đền Trần thời gian qua với đủ cả tích cực, tiêu cực, đã có nhiều ý kiến sôi nổi và trái chiều. Đại diện dòng họ Trần ở Nam Định và Hội đồng Trần tộc VN cũng như các cụ đại diện cho người dân thôn Tức Mặc khẳng định việc khai ấn, phát ấn là không thể bỏ.
Hơn thế, các cụ nhiệt liệt yêu cầu vẫn làm đúng theo lề thói cũ, không dây dưa sang những ngày hôm sau bởi sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, môi trường, trật tự, dịch vụ lưu trú… khi có một lượng quá đông du khách phải chờ đợi.
Theo TS Trần Mạnh Quảng – Chủ tịch Hội đồng Trần tộc VN thì bất cứ đại lễ mang tính quốc lễ, truyền thống dân tộc đều có lúc trầm hùng, có lúc náo nhiệt thì có những hiện tượng xô đẩy khó tránh khỏi. Nhưng không thể vì thế mà làm mất đi truyền thống bao đời nay vào giờ Tí ngày rằm tháng Giêng.
TS Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL
Ngược lại, cũng có những ý kiến thẳng thắn, dứt khoát kêu gọi hãy từ bỏ một hoạt động không có thực, thiếu cơ sở lịch sử.
TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học VN khẳng định qua những chứng cứ từ tư liệu: Không hiểu sao lại có sự sáng tạo ra cái gọi là lễ khai ấn đầu xuân. Nếu nói nghi lễ, hoạt động này có giá trị, thì chỉ đối với dân làng sở tại chứ không phải là với đất nước.
TS Kiên nói: “Trước nay chưa từng có lễ khai ấn, phát ấn rầm rộ như thời gian qua khiến cho chúng ta phải bàn bạc một cách đối phó như thế này. Hãy để công việc này cho nhà đền, còn Nhà nước, các cơ quan quản lý thì nên đứng ngoài!”.
Việc phát hay không phát ấn, nếu phát thì làm thế nào, và tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần ra sao sẽ không dừng lại ở đây mà còn được bàn thảo xem còn chừng lâu lâu nữa.
Hy vọng đến mùa hội năm 2012, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định- nơi tổ chức lễ hội độc đáo nhưng cũng quá nhiều “điều tiếng” sẽ tìm ra được đáp số cuối cùng.
Hoàng Thi