Dân Việt

Bản quyền Ngoại Hạng Anh: Trao băng đội trưởng cho K+, tại sao không?

Chính Minh 09/04/2016 11:00 GMT+7
Với những diễn biến gần nhất xung quanh câu chuyện bản quyền truyền hình Ngoại Hạng Anh (English Premier League) 2016-2019, khả năng người hâm mộ Việt Nam không được xem Liverpool, Manchester United, Chelsea, Arsenal… thi đấu là không nhỏ. Vậy có cách nào dung hòa được lợi ích, giúp các bên lại gần nhau hơn hay không?

Đến lúc này, có thể hình dung khái quát câu chuyện bản quyền Ngoại Hạng Anh 2016-2019 như sau: Một bên là đối tác nước ngoài MP&Silva (đơn vị cấp phép bản quyền Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam) cương quyết muốn đàm phán trực tiếp với các nhà đài để thu lợi lớn nhất. Bên kia là các nhà đài Việt Nam muốn phá thế độc quyền của K+ đã duy trì suốt gần 6 năm qua, đồng thời muốn mua toàn bộ các trận Ngoại Hạng Anh với giá cao nhất không quá 20% so với 3 mùa giải 2013-2016 (trị giá khoảng 42 triệu USD). Đó là lý do Ban đàm phán mua bản quyền Ngoại Hạng Anh 2016-2019 ra đời vào cuối năm ngoái với 12 thành viên, trong đó có 10 đơn vị truyền hình trả tiền do ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký  Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) làm Trưởng ban.

img

Chỉ có sự đoàn kết, tôn trọng lợi ích, chiến lược kinh doanh của nhau mới giúp các nhà đài Việt Nam mua được bản quyền các giải bóng đá lớn trên thế giới với giá tốt nhất. Ảnh: I.T.

Khúc mắc nằm ở chỗ, quan điểm của MP&Silva và Ban đàm phán mua bản quyền Ngoại Hạng Anh đang quá khác xa nhau. Nói một cách công bằng, thì hiện cả MP&Silva và Ban đàm phán đều thể hiện rõ ý chí không cần nhau, không thiện chí và bất hợp tác. Và như vậy rồi thì gặp gỡ nhau làm gì cho mất công?

Trong mối quan hệ này, K+ rõ ràng bị mắc kẹt khi họ rất muốn có bản quyền Ngoại Hạng Anh, đương nhiên là với giá tốt nhất, vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa tiếp tục mang đến niềm vui cho các thuê bao của mình. Và động thái muốn tách ra khỏi Ban đàm phán để tự làm việc riêng với MP&Silva mới đây của K+ đã thể hiện rõ ý chí đó. Lập tức, phía VNPay TV, Ban đàm phán đã phản ứng quyết liệt K+. Cuộc họp của Ban đàm phán chiều 8.4 vừa qua thực chất là một “cú đánh” nữa nhằm vào tham vọng “xé rào” của K+, thay vì tìm một giải pháp dung hòa lợi ích của các bên.

Giờ đặt vấn đề, tại sao Ban đàm  phán không thử gửi niềm tin, trao chiếc băng đội trưởng cho chính… K+? Tại cuộc họp ngày 8.4, K+ một lần nữa đã tỏ ý… lùi, qua đó tiệm cận gần tới chiếc băng đội trưởng ấy khi đề xuất các đài đàm phán riêng nhưng sẽ mua với giá không quá 20% như đã cam kết với Ban đàm phán. Tại sao lúc này các đài không đồng lòng “gửi” luôn trách nhiệm đi đàm phán với MP&Silva cho K+? Họ sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ các trận đấu Ngoại Hạng Anh 2016-2019, sau đó đem về cùng Ban đàm phán chia theo nhu cầu của mỗi nhà đài.

Với cách làm này, MP&Silva cũng sẽ cảm nhận được thiện chí, muốn hợp tác từ các nhà đài Việt Nam, và khi đó mới có thể “nói chuyện” được với nhau, đặc biệt khi họ cũng không bao giờ muốn giữ bản quyền Ngoại Hạng Anh để… ngắm! Ở chiều ngược lại, K+ cũng sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn với cái chung, thay vì suy nghĩ mình đang bị tất cả “đánh hội đồng”. Và rằng thay vì muốn có Ngoại Hạng Anh mang đến niềm vui cho người hâm mộ, khiến đối tác nước ngoài cảm nhận được sự đoàn kết của các nhà đài trong nước, ý nghĩa thực sự của Ban đàm phán lại đơn giản chỉ là cản bước K+ một cách cực đoan (?!).

Có lẽ đây là lúc các nhà đài cần tạm gác sang bên, thậm chí là quên đi cú “lật kèo” của VTV và K+ trong quá trình mua bản quyền Ngoại Hạng Anh 2013-2016. Việc trao gửi niềm tin cho K+ lúc này cũng chính là cách “thức tỉnh” họ và cũng là cách vì cái chung nhất khi mà Ban đàm phán không thể tìm được tiếng nói chung với MP&Silva, trong khi các nhà đài khác hoặc không đủ tiềm lực tài chính, hoặc cũng không khát khao có Ngoại Hạng Anh bằng K+.

Còn trong trường hợp đã được “chọn  mặt gửi vàng” mà K+ không thể đàm phán thành công để mua toàn bộ bản quyền Ngoại Hạng Anh với giá cao không quá 20% so với tổng giá trị EPL 3 mùa giải 2013-2016 ở Việt Nam (nghĩa là chỉ mua bản quyền Ngoại Hạng Anh 2016-2019 với giá 50 triệu USD trở xuống), thì lúc đó họ còn trách ai đây? Khi đó, người hâm mộ Việt Nam cũng rất thoải mái tẩy chay Ngoại hạng Anh, thay vì chẳng vui vẻ gì với suy nghĩ tẩy chay một nhà đài trong nước như K+. Và sau thương vụ này, các nhà đài trong nước chắc chắn sẽ lại gần nhau, tôn trọng nhau hơn, thay vì ở thế “bằng mặt chẳng bằng lòng” như bao năm qua. Đó cũng sẽ là nền tảng để chúng ta mua được bản quyền các giải bóng đá lớn nhất trên thế giới (chứ không chỉ Ngoại Hạng Anh) với giá tốt nhất trong tương lai!