Khi đàn voi nổi giận
Xóm Bãi Lim, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn là nơi đàn voi thường đến "viếng thăm". Mỗi đợt voi về gây bao nỗi kinh hoàng cho hơn 100 hộ dân nơi đây.
Anh Trần Văn Đường nhà ở đầu xóm kể: "Đã thành thông lệ, cứ đến mùa măng (tháng 8 đến 12) là mấy "ông" về giày xéo cây cối, hoa màu, nhà cửa và tấn công cả người. Năm trước nhà tui đang ăn cơm bỗng nghe tiếng ầm ầm như sạt núi. Đoán chắc đàn voi xuất hiện nên vợ chồng tui ôm 3 đứa con nhỏ băng qua thửa ruộng để chạy đến nơi đông dân cư. May nhanh chân không thì chết.
Con voi thường xuyên xuất hiện tại khu vực Khe Kèm. Ảnh của VQG Pù Mát cung cấp. |
Khi các “ông" rút vô rừng, tui trở về thì căn nhà đã bị đàn voi húc đổ, mấy tạ ngô, và muối dự trữ bị voi chén sạch, cây cối trong vườn bị quần nát".
Trường hợp gần đây nhất vào ngày 27.5.2011, anh Vi Văn Sinh - công nhân, Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn đang cùng 3 người khác ngủ trong lán trồng rừng thì voi rừng xuất hiện. Chúng đồng loạt tấn công, quần nát lán trại, quật chết anh Sinh, 3 người khác may mắn chạy thoát.
Những người dân nơi đây cho biết, đàn voi này rất lạ, chúng ghét tiếng nổ động cơ và đồ sắt thép. Cả làng có 3 cái máy xay xát, nhưng vẫn phải gánh lúa đi xát nơi khác chứ nghe nổ máy là như bị kích động, chúng lồng lộn ào trong rừng ra bất chấp ngày, đêm giày xéo ruộng lúa, tấn công trâu, bò. Xe máy của bà con thường đi đến dốc Phân Thủy là phải tắt máy.
Cách đây 4 tháng tại khu rừng giáp ranh giữa huyện Anh Sơn và Con Cuông người dân phát hiện xác một con voi đực bị phân huỷ, đôi ngà đã biến mất. Voi được đánh giá là loài động vật thông minh, có khả năng nhớ dai và trả thù khi bị săn lùng ráo riết hoặc bị quấy rầy vùng sống. Vậy nên, cũng có nhiều người nói rằng việc đàn voi liên tục tấn công người là do con người trước đây đã săn bắn đồng loại của chúng nên chúng quay lại trả thù.
Chưa có biện pháp…
Thực tế voi phá hoại hoa màu, đe doạ tính mạng người dân với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhưng sự phối hợp giữa chính quyền và các ban ngành liên quan để có biện pháp ngăn chặn xung đột giữa người và voi còn hạn chế. Để đối phó với voi rừng, nhiều xã, bản đã thành lập đội dân quân, tự vệ kết hợp với bà con nhân dân vào mùa voi rừng hay về tổ chức canh gác, đốt lửa, khua chiêng gõ mõ.
Một người dân ở Bãi Lim, Phúc Sơn nói: "Đuổi voi kiểu ấy cũng không an toàn, có khi mất mạng như chơi. Bà con chúng tôi mong Nhà nước có biện pháp để cách ly đàn voi rừng với dân để bà con yên tâm sản xuất, làm ăn".
VQG Pù Mát được đánh giá có số lượng voi lớn nhất Việt Nam. Có 3 đàn voi, số lượng 11 cá thể; sinh sống ở vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Thế nhưng công việc bảo tồn đàn voi rừng này và biện pháp phòng tránh xung đột giữa loài voi với người dân sở tại hiện chưa có biện pháp hữu hiệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc VQG Pù Mát cho biết: Chúng tôi đã lập dự án bảo tồn voi rừng Pù Mát khá hoàn chỉnh với nhiều hạng mục chi tiết, quan trọng. Nhưng rất tiếc là dự án đến nay vẫn chưa được đầu tư kinh phí".
Tiến Dũng