Theo ông Dũng, với cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn cho phép thị trường tự do quyết định mức tỷ giá hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ giá thả nổi hoàn toàn thường biến động mạnh trong ngắn hạn trước tác động của các yếu tố tâm lý, kỳ vọng hay cú sốc kinh tế - tài chính trong và ngoài nước.
“Thực tế năm 2015 cho thấy tỷ giá nhiều nước đã biến động rất mạnh như Malaysia Ringit mất giá 22% hay Indonesia Rupia mất giá hơn 10%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối vĩ mô của các nước này”, ông Dũng phân tích.
Ngoài ra. yếu tố tâm lý có thể khiến tỷ giá tăng cao hoặc giảm sâu một cách cực đoan mà không phản ánh đúng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong một thời gian dài.
“Tỷ giá biến động mạnh sẽ gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, chỉ có các nước có nền tài chính phát triển sâu với đầy đủ các công cụ để doanh nghiệp có thể bảo hiểm rủi ro về tỷ giá mới áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Phần lớn các nước trên thế giới kể cả những nước có nền kinh tế tương đối phát triển như Singapore vẫn áp dụng cơ chế tỷ giá có quản lý”, ông Dũng cho biết thêm.
Trong khi đó, việc điều hành tỷ giá quá cứng nhắc trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp có thể gây áp lực lớn đối với kinh tế trong nước. “Do đó, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam”, ông Dũng cho biết thêm.
Với việc tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do trong năm 2016, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới hơn bao giờ hết. “Cơ chế tỷ giá hiện nay cho phép tỷ giá của Việt Nam thay đổi kịp thời với những thay đổi về tỷ giá của các đối tác, và do đó đảm bảo được sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, cơ chế tỷ giá hiện nay cũng tránh được những biến động thái quá về tỷ giá, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh được những cú sốc không cần thiết do các biến động về tỷ giá gây ra. “Khi thị trường tài chính của Việt Nam thực sự phát triển sâu và doanh nghiệp có đầy đủ các công cụ để bảo hiểm tỷ giá thì tỷ giá có thể thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định”, ông Dũng khẳng định.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá từ khi NHNN điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý I/2016 tương đối bình ổn, ngoại trừ một đợt tăng ngắn trong ba tuần đầu tháng 1. Tỷ giá sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt và có xu hướng điều chỉnh nhẹ trong suốt thời gian của tháng 2 và tháng 3. Tính chung trong cả quý I, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố chỉ giảm nhẹ 0,17% trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng có mức giảm mạnh hơn (-0,85%).
Tuy nhiên, sự ổn định này chỉ mang tính tạm thời, do vậy, chưa thể điều hành tỷ giá theo hướng thả nổi được.
BVSC đánh giá, mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong ba tháng đầu năm nhưng diễn biến tỷ giá trong năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
“Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động (khả năng cao FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong cuộc họp tháng 6 tới) cùng cộng hưởng tại một thời điểm. Trong kịch bản trung bình, chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2016”, BVSC dự đoán.