Tên lửa từ hệ thống THAAD bắn ra sẽ không mang theo đầu đạn nhưng dựa vào động lực học để phá hủy tên lửa đối phương. Năng lượng động lực như vậy giúp hạn chế khả năng phát nổ đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường.
Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc “đang diễn ra”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố ngày 8.4. Ông Carter cũng yêu cầu Trung Quốc mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa của Triều Tiên thay vì lên tiếng chỉ trích kế hoạch đặt hệ thống phòng thủ của Mỹ ở Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ và Hàn Quốc bàn luận triển khai tại Seoul sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi đầu tháng Một và phóng tên lửa tầm xa hôm 7.2.
Trung Quốc đồng ý lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nữa của LHQ nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử tên lửa nhưng nhấn mạnh nước này “cực lực phản đối” việc triển khai hệ thống THAAD và cho rằng hệ thống phòng thủ này làm giảm khả năng ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc.
Khi được phóng viên ở một hội thảo tại New York hỏi về khả năng triển khai hệ thống THAAD, ông Carter nói: “Mọi chuyện đang diễn ra. Đây là điều kiện cần. Đây là việc giữa Hàn Quốc và Mỹ. THAAD giúp bảo vệ lực lượng của chúng tôi ở bán đảo Triều Tiên và bảo vệ đồng minh Hàn Quốc”.
Radar AN/TPY-2
Ông Carter khẳng định Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối không ảnh hưởng tới Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh hợp tác với Washington hoặc kêu gọi Triều Tiên tuân thủ quy định quốc tế. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề Triều Tiên là thách thức rất lớn mà không dễ gì đối phó được trong thời gian ngắn, dù đó là đồng minh thân cận Trung Quốc.
Ông Carter khẳng định trước Hội đồng Quan hệ Quốc tế: “Chúng tôi cần bảo vệ người dân, bảo vệ đồng minh và chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai hệ thống THAAD”.
Trung Quốc cho rằng hệ thống tên lửa THAAD có tầm bắn vượt quá bán đảo Triều Tiên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và an ninh, ổn định chiến lược trong khu vực.
Giới chức quân sự Mỹ tin rằng chỉ có Trung Quốc, nước láng giềng và đồng minh duy nhất của Triều Tiên, đủ sức gây ảnh hưởng lên chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng không tỏ dấu hiệu lạc quan khi bán đảo Triều Tiên vẫn “căng như dây đàn” ở thời điểm hiện tại.
Ý tưởng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được đưa ra năm 1987. Năm 1992, Quân đội Mỹ chọn công ty Lockheed Martin làm nhà thầu chính để phát triển hệ thống THAAD.
Hệ thống THAAD được thiết kế để bắn tên lửa Scud và những khí tài cùng loại. Scud là lớp các tên lửa đạn đạo chiến thuật được Xô Viết triển khai trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và xuất khẩu rộng rãi tới nhiều nước khác trên thế giới. Tầm bắn tên lửa Scud từ 1.300 đến 1.500km.
Mỗi khẩu đội THAAD gồm 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2; 1 xe trung tâm điều khiển di động; 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC. Đặc biệt, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200 km, tầm cao 25 km.