Bài luận “Vòng đời”
Gương mặt dễ mến với má lúm đồng tiền và đôi mắt sáng, Hiền Anh khiêm tốn nhận mình là cô bé “không thông minh lắm, phải lấy cần cù bù lại”. Cô nữ sinh 9X trường Amsterdam này không chỉ “đánh nhanh diệt gọn” ngôi trường vang danh Harvard mà còn cùng lúc chinh phục học bổng của nhiều trường ĐH Mỹ khác trong mùa tuyển sinh này.
Trong thành công bao giờ cũng có may mắn nhưng trên tất cả là sự quyết tâm, cố gắng hết mình của Tôn Hiền Anh với khát vọng mang tên Harvard.
Tôn Hiền Anh – cô gái 9X Việt giành học bổng toàn phần Đại học Harvard mùa này.
Bố của Hiền Anh chia sẻ, mẹ là người rất sâu sát với ước mơ Harvard của Hiền Anh. Ước mơ của cô gái Việt được thắp lên từ chính câu chuyện cuộc đời của mẹ.
Cuối những năm 90, mẹ Hiền Anh khi còn trẻ học rất xuất sắc nhưng gia đình khó khăn, bố mất sớm. Lúc này, mẹ em học trường Cao đẳng Y và sau đó, luôn day dứt, đau đáu trăn trở vào đại học. Sau này, bà cũng đạt được ước vọng tốt nghiệp Đại học Y, rồi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Y và hiện tại đang là giảng viên Học viện Y học cổ truyền Việt Nam.
Một trong 2 bài luận Hiền Anh gửi và được Harvard đánh giá cao nói về khát vọng tiếp nối, chắp cánh sự học và ước mơ của người mẹ, người bà. Bài luận có tên “Vòng đời” của cô gái Việt viết về 3 thế hệ (bà, mẹ và chính em) ắp đầy tình thương, sự cảm phục với người mẹ của mình và quyết tâm “con sẽ bù lại những gì mẹ mong mỏi”.
Bài luận thứ hai của Hiền Anh viết về tòa tháp trong vụ khủng bố 11/9 lấy cảm hứng từ lần đến nước Mỹ, chứng kiến cảnh tòa tháp đôi đang được xây dựng mới rất hiện đại sau vụ khủng bố.
Cô bé gửi thông điệp ngắn gọn: Tòa tháp bị đánh sập con người sẽ xây dựng tòa tháp mới, cũng như chúng ta cần can đảm vượt qua khó khăn, tiến về phía trước không ngừng.
Chia sẻ kinh nghiệm viết luận, Hiền Anh nói rằng, em đã cố gắng viết từ trải nghiệm bản thân để thể hiện suy nghĩ một cách chân thực nhất.
Những sự việc, những điều tưởng chừng giản đơn nhất vẫn có thể chứa sức nặng và lay động hội đồng tuyển sinh bởi nó lại mang nét mới lạ, cảm nhận tinh tế của chính ứng viên với thế giới xung quanh.
Vượt qua “định kiến”
Hiền Anh có mặt trong một talkshow du học tại Hà Nội chiều 9/4 để chia sẻ kinh nghiệm của mình.
“Không cần biết mình học trường nào, lớp nào, vị trí hiện tại ở đâu… nhưng quan trọng thực sự là rất rất nỗ lực, không quan tâm người khác nghĩ gì; tập trung để thể hiện tốt nhất, đầy đủ nhất bản thân ở hồ sơ gửi trường Đại học Mỹ”, Hiền Anh nhấn mạnh.
Câu chuyện chinh phục thành công Đại Harvard danh tiếng thế giới của “cô nàng bé hạt tiêu” Hiền Anh xuất phát từ mong mỏi vượt qua “định kiến”.
Tôn Hiền Anh thành thật chia sẻ về những định kiến đâu đó quanh em, đơn cử là chuyện lớp chuyên Trung “ham chơi, không chăm chỉ, không năng nổ hoạt động ngoại khóa” so với một vài lớp đã có “thương hiệu” ở trường Ams như trong suy nghĩ của nhiều người. Vậy nên, Hiền Anh rất muốn là người phá vỡ “định kiến” đó, “em muốn mọi người thấy rằng, học sinh chuyên Trung thực sự rất cố gắng, chăm chỉ và không lười”.
Là học sinh chuyên Trung nên tiếng Anh không phải là thế mạnh của Hiền Anh. Ấy vậy mà chỉ sau thời gian “cấp tốc” 2 tháng chuẩn bị thi chuẩn hóa SAT, em đã đạt kết quả tốt. Và tất nhiên, điều đó không phải ngẫu nhiên mà có, Hiền Anh đã kể vui về “sự thật kinh hoàng” mỗi ngày chiến đấu với SAT bằng 150-200% sức lực của mình, học từ mới mọi nơi, thậm chí cả trong nhà vệ sinh…
Hoạt động ngoại khóa có là điểm yếu của học sinh hướng nội?
Bản thân là một người hướng nội, Hiền Anh thấu hiểu ưu thế, lợi thế của một học sinh hướng nội khi chuẩn bị hồ sơ apply học bổng đại học Mỹ. Em cho rằng, người hướng nội có thể không mạnh về hoạt động ngoại khóa như cá nhân hướng ngoại nhưng đó không hoàn toàn là điểm yếu.
Trên lớp không phải là người nói quá nhiều nên Hiền Anh không được mọi người quan tâm nhiều, nhưng vì thế em có thể tập trung nhiều nhất vào những thứ bản thân quan tâm hơn là tập trung vào thứ người khác mong muốn em quan tâm. Với Hiền Anh, hoạt động ngoại khóa của một ứng viên hướng nội có thể không nhiều nhưng cần thể hiện chiều sâu.
Cô nàng má lúm duyên dáng (phải) cùng bạn tại Ngày hội Áo dài trường Hà Nội-Amsterdam.
“Điểm khác biệt là cách mình cảm nhận hoạt động ngoại khóa, không chỉ tham gia để tham gia mà tham gia để cảm nhận, từ đó tìm ra hướng phát triển trong tương lai”, Hiền Anh nói.
Chẳng hạn, trong một lần đến gặp gỡ các bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở một bệnh viện sản tại Hà Nội, em lắng nghe rằng những bệnh nhân đã chịu thái độ không tốt từ nhân viên y tế, chuyện bệnh viện không có nước máy và bệnh nhân phải đi rất xa để mua nếu muốn có nước để sử dụng hay chuyện bệnh nhân tuyến địa phương phải chuyển vượt cấp vì những lý do như cơ sở y tế, trình độ bác sĩ kém…
Và ở bài luận, có một phần cô gái này đã thể hiện ước mong hệ thống y tế ở Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy là người ít nói, hướng vào bên trong hơn bên ngoài nhưng cũng chính vì thế Hiền Anh có thời gian cảm nhận, lắng nghe mọi thứ bên ngoài đầy đủ, sâu sắc hơn. Đó là chất liệu để em bài luận. Mà theo Hiền Anh, ở hồ sơ gửi các trường ĐH Mỹ, bài luận quyết định khoảng 50% kết quả.