Dân Việt

Cách nhận biết măng ngâm hóa chất

Vân Anh 10/04/2016 09:32 GMT+7
Đa phần người dân mua măng cho biết khó phân biệt măng có ngâm hóa chất hay không và họ mua măng chỉ theo cảm tính.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp bắt quả tang các vụ măng ngâm hóa chất. Riêng trong tuần qua, tại Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý hàng chục nghìn tấn măng đã được ngâm hóa chất, chuẩn bị được đưa ra thị trường, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Măng là loại thực phẩm rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm mua từ ở các chợ cóc nhỏ đến siêu thị lớn. Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Tâm, Bách Khoa, chợ Hôm, Cầu Giấy… măng lá ngâm có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, măng củ ngâm có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg; măng khô có giá 300.000 đến 500.000 đồng/kg tùy loại…

img

 Măng được bày bán trên những xô chậu bẩn trên hè phố.

Theo những người buôn bán măng tại các chợ, thời điểm này tại miền Bắc đang là chính vụ mùa măng, nên măng tươi có nhiều và không cần bất cứ loại thuốc nào để bảo quản cả. Khi vào mùa hiếm măng là cuối thu sang đông thì mới cần sử dụng thuốc bảo quản. Tuy nhiên, bảo quản bằng chất gì và liều lượng bao nhiêu thì họ cũng chẳng quan tâm.

“Giờ đang mùa xuân, măng nhiều. Không cần ngâm thuốc gì cả. Cứ ngâm nước là trắng, ngon. Mùa đông hiếm người ta mới phải bảo quản thì có thuốc. Người ta sản xuất từ măng tre trên rừng, rồi chuyển xuống miền xuôi cho mình bán thôi. Tôi lấy lẻ về bán thế này thôi chứ chỗ bán buôn nhiều người ta làm gì thì biết sao được”- một người bán măng nói.

Trong khi người bán măng vì lợi nhuận không quan tâm đến hậu quả của việc sử dụng vô tội vạ hóa chất công nghiệp, thì người tiêu dùng đi chợ gặp “may mắn” tìm được nguồn bán hàng có thể tin tưởng được.

Bà Nguyễn Thị Dũng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Có hóa chất hay không biết thế nào được. Nghe đài, báo nhiều, bây giờ mua thì lường lường thôi. Nếu thấy ngon và đẹp quá thì chắc chắn người ta phải chau truốt hay có thuốc gì đấy. Tốt hơn hết mua loại trông bình thường, màu mộc thôi, chứ vàng ươm là không nên. Tôi mua chủ yếu xem nguồn gốc của người bán như thế nào. Nếu người bán là từ quê đưa ra thì mình cảm thấy yên tâm hơn.”

Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, hai loại hóa chất thường được sử dụng để ngâm măng là chất tẩy trắng và chất vàng ô. Đây đều là các hóa chất công nghiệp có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Các loại hóa chất này có thể gây tổn hại dạ dày, thận, làm thủng ruột, phá nát gan người dùng. Ngoài ra, những loại phụ gia hóa chất công nghiệp này khi vào cơ thể con người có thể tích lũy, tồn dư và kích hoạt hàng loạt bệnh nguy hiểm khác.

img

Rất khó để phân biệt được măng có ngâm hóa chất hay không.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, măng tươi nguyên củ thông thường chỉ có thể bảo quản tối đa là 7 ngày. Măng tươi bóc vỏ rồi ngâm muối chua có thể bảo quản được tối đa 1 tháng. Còn măng đã phơi khô có thể bảo quản được rất lâu vì bản thân măng chỉ có chất xơ nên vi sinh vật thường ít phát triển.

Ông Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: “Nhất là với măng, bản chất không có màu vàng như vậy. Nếu thấy có màu vậy thì tốt nhất không nên mua, với các thực phẩm khác cũng thế. Người tiêu dùng nên cảnh giác, tỉnh táo phát hiện ra những cái bất bình thường để tránh thì có thể giảm thiểu được nguy cơ. Tốt nhất, khi mua măng về, dù là măng tươi hay măng khô nên ngâm trong nước, sau đó luộc rồi chế biến. Măng là đồ ăn không có nhiều dinh dưỡng nên dù có luộc đi luộc lại cũng không ảnh hưởng gì".

Các chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, măng có bị ngâm hóa chất hay không hoàn toàn có thể nhận biết bằng cảm quan. Măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi ngái đặc trưng, dùng tay bấm vào măng không mủn.

Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được nhuộm màu, nhìn bắt mắt và giòn hơn măng tự nhiên. Người dân không nên chọn thực phẩm có màu sắc quá bắt mắt và tốt nhất nên dùng thực phẩm đúng mùa, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thực phẩm.