Tọa lạc trên diện tích hơn 4.000m2, với tổng mức đầu tư gần 1900 tỷ đồng, Khu ký túc xá tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) dành cho sinh viên thuộc loại sang trọng, tiện nghi bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên, trái với “điểm 10” về cơ sở hạ tầng, giá cả dịch vụ là sự thờ ơ, không mặn mà của đối tượng được thụ hưởng. Tại sao lại có tình trạng này?
Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp dành cho sinh viên sang trọng bậc nhất Hà Nội.
Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp là tổ hợp 6 tòa nhà (mỗi tòa 19 tầng), với khả năng đáp ứng chỗ ở cho 22.000 học viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Tháng 1/2015, 3 trong 6 tòa nhà được đưa vào sử dụng (là A1, A5, A6) và trở thành khu nhà ở sinh viên tốt nhất trên địa bàn Hà Nội, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, khu bếp ăn hiện đại, giá thuê phòng hợp lý…
Đại diện Ban Quản lý khu ký túc xá cho biết, thủ tục đăng ký thuê phòng khá đơn giản, nhanh gọn, chỉ cần giấy tờ chứng minh là học viên, sinh viên, đơn xin thuê trọ cùng khoản tiền đặt cọc ban đầu là có thể vào ở luôn. Giá thuê phòng là 205.000 đồng/tháng/sinh viên, các loại phí khác như gửi xe 40.000 đến 60.000 đồng/tháng, tùy xe đạp hay xe máy.
Những sinh viên đăng ký lưu trú tại đây đều bày tỏ sự hài lòng về chỗ ở của mình, và còn đánh giá cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ cao hơn nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố.
Phòng ở cho sinh viên tại khu ký túc xá.
Hoàng Thị Nhật Lệ, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội bày tỏ: “Với bản thân em, ở đây khá là thuận tiện. Mọi thứ đầy đủ tiện nghi, sinh hoạt rất thoải mái. Mặc dù hơi xa trung tâm một chút nhưng bù lại ở đây không khí trong lành, buổi sáng có thể đi hít thở, tập thể dục…”.
Tuy nhiên, Hoàng Thị Nhật Lệ cũng như các bạn sinh viên đăng ký lưu trú tại đây chỉ là con số “khiêm tốn” so với thực tế gần 1.400 phòng tại khu ký túc xá hiện đại này. Cơ sở hạ tầng vượt trội, giá thuê phòng rẻ hơn nhiều so với bên ngoài… cùng với những nỗ lực mời chào của Ban Quản lý, nhưng Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn chỉ lác đác vài bóng người.
Theo thống kê, tại khu ký túc xá sang trọng này, hiện mới chỉ có khoảng 15% số phòng có sinh viên đăng ký lưu trú. Đa số sinh viên khi được hỏi cho biết, “điểm trừ” lớn nhất ở Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp là vị trí cách quá xa các trường đại học.
Các trường được cho là gần như Đại học Thăng Long cũng 4 km; Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa cũng 5 đến 6 km. Hầu hết sinh viên không có xe máy, nên phải đến trường bằng xe buýt. Trong khi đó, hệ thống xe buýt ở đây lại rất hạn chế.
Nhà ăn khang trang
Toàn khu nhà có khoảng 1.500 sinh viên, nhưng chỉ có hai tuyến xe buýt (60A và 21B) đi qua một số trường Đại học. Muốn đến trường hay các nơi khác, sinh viên phải đi liên tuyến xe buýt. Đây là trở ngại lớn trong di chuyển, đặc biệt là việc ùn tắc giao thông tại tuyến đường huyết mạch Giải Phóng diễn ra thường xuyên.
Trần Thu Trang, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Bách Khoa nói: “Vấn đề đi lại rất bất tiện vì xa, thời gian chờ xe buýt thì lâu. Có những nơi, sinh viên phải chờ nửa tiếng mới có xe, có những hôm thì lâu hơn. Có những hôm cũng bị muộn học vì phải đi mấy chuyến liền, rồi xảy ra tắc đường, nên cũng rất ngại”.
Một số lý do nữa khiến nhiều sinh viên băn khoăn, đó là quy định 8 người ở chung một phòng, nảy sinh nhiều bất tiện trong sinh hoạt và quy định đóng cửa ký túc xá sau 23 giờ…
Ông Phạm Minh Dũng, Trưởng Phòng quản lý sinh viên, Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp cho biết, trước thực trạng số phòng để trống quá nhiều, Ban Quản lý đã nhiều lần tổ chức giới thiệu, quảng bá, nhưng hiệu quả cũng chưa được bao nhiêu: “Chúng tôi cũng giới thiệu hình ảnh khu nhà ở đến đông đảo sinh viên thủ đô để các bạn biết đến rồi tìm hiểu. Chúng tôi cũng làm việc với các đội sinh viên tình nguyện, đồng hương của các tỉnh cũng như Hội Sinh viên của các trường như trường Bách Khoa, Kinh tế. Kết quả thì cũng có nhưng chưa bứt phá lên được”.
Không hiệu quả, là thực tế tại Khu Ký túc xá sinh viên Pháp Vân Tứ Hiệp - hiện đại, tiện nghi bậc nhất Hà Nội. Ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, quản lý đô thị cho rằng, sự tính toán không sát thực trong lựa chọn địa điểm xây dựng là nguyên nhân “ế khách” của công trình có giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này.