Ngay sau khi đăng tải, kiến nghị này đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều thầy cô. Đã có hơn 11.000 lượt chia sẻ và 2.000 lượt phản hồi từ thành viên là các thầy cô giáo đang giảng dạy khắp mọi miền đất nước.
Theo các giáo viên, hiện nay, thầy cô đang phải “đóng quá nhiều vai”: giảng dạy, giáo dục, nhà tâm lý, quan tòa, bảo vệ, thủ quỹ... vì vậy không thể tập trung để làm tốt vai trò truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đơn cử nhiều thầy cô phải làm nhiệm vụ thu tiền bảo hiểm của học sinh. Khi học sinh không đóng bảo hiểm, giáo viên phải vận động bởi cấp trên áp chỉ tiêu xuống. Nếu lớp nào có học sinh không đóng, giáo viên bị xem xét cắt thi đua…
Fanpage "Chúng tôi là giáo viên" gửi 10 điều gan ruột cũng là mong muốn tới tư lệnh ngành giáo dục - tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Các giáo viên đều cho rằng, mỗi lần thay đổi tư lệnh ngành là mỗi lần thầy cô và học sinh lại trải qua cảnh vừa mừng, vừa lo: Mừng vì hi vọng và chờ đợi 1 tương lai mới, sự phát triển mới cho giáo dục, lo vì không biết rồi sẽ lại đổi mới như thế nào?
Mong muốn đầu tiên mà các giáo viên “đặt hàng” cho tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là: Làm thế nào để sinh viên sư phạm ra trường xin được việc làm:
“Giờ ra trường được dạy thì ít mà... mất dạy thì dễ. Chúng tôi vẫn mong chờ một thống kê chính xác xem bao nhiêu phần trăm sinh viên sư phạm ra trường được làm đúng nghề hay phải đi làm công nhân, ra chợ buôn bán. Nhìn cái cảnh bạn bè học giống mình, đứa lại đi lắp điện thoại, khá hơn đi làm công nhân may mà xót lắm tư lệnh ơi”.
Vấn đề tăng lương cũng được đề cập đến khá quyết liệt. Theo các giáo viên, có 3 ngành cần đặc biệt quan tâm, đó là bác sĩ, quân đội và giáo viên.Bác sĩ cứu người, quân đội bảo vệ người và giáo viên dạy người. Nếu so bậc lương của các ngành này với nhau, có lẽ không ít người cảm thấy choáng bởi sự chênh lệch quá lớn.
“Với hơn 3 triệu đồng, để nuôi bản thân còn khó nữa là con cái. Chỉ khi nào các thầy cô không còn vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó” – trích lời kiến nghị.
Đau đầu vì giáo dục “tự sướng”
Bỏ Thông tư 30 là một trong những điều mà rất nhiều thầy cô mong muốn nhưng... không dám nói. Giáo viên thừa nhận mục tiêu đúng đắn của Thông tư 30 về việc giảm áp lực cho học sinh tiểu học khi không chấm điểm mà thay bằng nhận xét. Song, cách thực hiện thì rất có vấn đề: Học sinh học ngày càng kém, giáo viên quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét, giáo viên đau đầu nghĩ ra cách để khen học trò, không quát mắng gì cả.
Những chia sẻ của các thành viên trong fanpage
“Cách giáo dục mang tính “tự sướng” đã làm hại học trò. Nhiều người nghĩ rằng chấm điểm cho học sinh chính là nguyên nhân tạo ra áp lực trong giáo dục. Thực tế, chính sự kỳ vọng quá đáng của gia đình và thực tế xã hội mới tạo ra áp lực cho giáo dục” – trích kiến nghị.
Ngoài ra, hàng loạt các thủ tục rườm rà, mang tính hình thức trong giáo dục cũng được thầy cô kiến nghị bỏ như: giảm sổ sách giấy tờ; bỏ thi giáo viên giỏi và phổ cập theo thành tích; bỏ sáng kiến kinh nghiệm; bỏ mô hình trường học mới VNEN (vì theo các giáo viên: mô hình này thật sự không phù hợp ở Việt Nam. Bộ GD ĐT chỉ nên học tập có chọn lọc và thực hiện ở một số nơi phù hợp. Nếu thực hiện đại trà, em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém)...
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội vừa quyết định bầu ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ GD ĐT. Ông Phùng Xuân Nhạ sinh năm 1963 tại Phù Cừ, Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Chương trình đào tạo sau đại học ngành Kinh tế Phát triển tại Đại học Tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh năm 1994; Tiến sĩ ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới; Nghiên cứu sau tiến sĩ (Chương trình Fulbright) tại Trường Đại học Tổng hợp Georgetown, Hoa Kỳ (2001-2002); Được phong chức danh Phó giáo sư năm 2005. Trước thời điểm được bầu làm Bộ trưởng, ông Nhạ là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng ĐHQGHN. |