Dân Việt

Chớ quá thận trọng với “cây tỷ đô”

Báo NTNN số 86, ra ngày 9.4 dẫn lời Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn lý giải về quy hoạch cây mắc ca đến 2020 chỉ là gần 10.000ha, thay vì 220.000ha như triển vọng. Nhưng, ngược với ý kiến này, GS Hoàng Hòe- chuyên gia nghiên cứu về loại “cây tỷ đô” này, cho rằng đây là quyết định vội vàng, chưa phù hợp.

Trong khi Bộ quản lý nhấn mạnh chữ “thận trọng” thì vì sao Giáo sư lại cho rằng Quyết định 1134 của Bộ NNPTNT là “vội vàng”?

- Theo tôi, Bộ NNPTNT đưa ra quy hoạch này chưa dựa trên cơ sở tham mưu khoa học và trách nhiệm của Viện Điều tra quy hoạch Rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) – cơ quan được giao  nhiệm vụ điều tra và quy hoạch diện tích trồng mắc ca. Tôi được biết, Hội đồng thẩm định quy hoạch mắc ca bao gồm cả một số thành viên không có nhiều hiểu biết sâu về loài cây này, vậy nhưng họ vẫn ngồi trong hội đồng để duyệt quy hoạch.

Nếu việc đưa ra quy hoạch phát triển cây trồng mắc ca mà không dựa vào những người hiểu biết rõ về mắc ca từ giới chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đã nghiên cứu và có có kinh nghiệm trồng mắc ca, thì đây là phương pháp chưa hợp lý.

Trong những lần có cơ hội góp ý xây dựng chính sách phát triển cây mắc ca, Giáo sư đã góp ý như thế nào cho Bộ NNPTNT?

imgÔng Đinh Kim Thu (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) trong vườn mắc ca gần 100 cây của gia đình. 

- Tại một cuộc họp bàn về quy hoạch phát triển cây mắc ca cách đây chưa lâu, khi Bộ NNPTNT đưa ra con số hạn chế ở mức 10.000ha, tôi đã góp ý ngay là chưa nên đưa ra con số cụ thể khi anh em chuyên môn chưa phân tích kỹ, cần có thời gian để tìm hiểu tận gốc rễ vấn đề. Tuy nhiên Bộ  vẫn quyết định đưa ra một con số cụ thể. 

Bộ NNPTNT chỉ giới hạn diện tích trồng mắc ca ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên là 9.940ha cho đến năm 2020. Trong đó, vùng trồng thuần tập trung là 2.350ha, còn lại 7.590ha là trồng xen. Đây là những con số thấp xa so với khả năng thực tế và điều kiện mà các địa phương khu vực này trong việc phát triển cây mắc ca. Cá nhân tôi cho rằng, điều này sẽ kéo chậm lại sự phát triển của ngành mắc ca Việt Nam. Nếu với diện tích trồng thuần và xen như thế thì khả năng chỉ trồng được khoảng 1,5 triệu cây trong 5 năm tới. Trong khi các vườn ươm giống mắc ca   của Việt Nam có khả năng cung cấp tới 4-5 triệu cây chất lượng tốt.

Tháng 6.2015, Bộ NNPTNT đã từng có hội thảo “Định hướng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam” và có mời ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc sang thảo luận, góp ý. Ông Jolyon Burnett ủng hộ Việt Nam phát triển loại cây này cùng với lưu ý thận trọng. Giáo sư nhìn nhận thế nào về việc này?

- Tôi đã gặp ông Jolyon Burnett tại Úc sau ít ngày sau khi ông này dự hội thảo nói trên ở Việt Nam quay về. Tôi hỏi ông có đi thăm các mô hình nông dân Việt Nam trồng mắc ca thành công, năng suất cao hơn cả ở Úc không; vì sao ông rất ủng hộ Việt Nam phát triển mắc ca nhưng lại cảnh báo quá thận trọng.

Ông Jolyon Burnett có nói với tôi là khi sang Việt Nam, ông ấy chỉ được giới thiệu đến thăm những mô hình mắc ca chưa thành công, nên chưa hiểu hết tiềm năng và thực tế của Việt Nam. Tôi đưa cho ông ấy xem những tấm ảnh và clip tôi quay nông dân Tây Nguyên với những vườn mắc ca trĩu quả. Ông ấy rất ngạc nhiên  nói: “tôi đã không được đến xem những chỗ này…”.

Trở lại thực tiễn Việt Nam, sau 20 năm nghiên cứu và kiểm nghiệm thực tế qua các vườn khảo nghiệm, đặc biệt là các vườn của người dân, liệu đã đủ để mạnh dạn phát triển nhanh hơn đối với cây mắc ca, thưa Giáo sư?

- Ở trong nước, chúng ta có rất nhiều mô hình trồng mắc ca thành công, có nhiều người đã giàu có từ việc trồng mắc ca. Vậy nên chúng ta cần tổng kết lại những bài học thành công của thế giới và những người dân tiên phong của nước ta. Khi Bộ NNPTNT công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch số 1134, tôi nghĩ  rằng các địa phương, người dân, doanh nghiệp sẽ chùn tay và giảm đầu tư trồng mắc ca; những dự định đầu tư vào nông nghiệp vì thế cũng tạm dừng lại. Cá nhân tôi cho rằng, với con số diện tích mắc ca đã được chốt sẽ khiến cho người nông dân chịu thiệt thòi, và không phát huy được nguồn lực, thế mạnh của loài cây này ở Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, những đề xuất, phản biện của Giáo sư về mở rộng quy hoạch phát triển mắc ca có liên quan đến “lợi ích riêng”, nên không tiếp thu. Giáo sư nói thế nào về việc này?

- Trong Ban chỉ đạo dự án mắc ca, chương trình hợp tác nhà nước Việt – Úc (Dự án của Bộ NNPTNT), có 5 đơn vị được tham gia dự án: Một là Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, hai là Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ba là Xí nghiệp Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, bốn là một công ty giống của Bộ NNPTNT, năm là Công ty Vinamaca của tư nhân. Dự án này do tôi làm chủ nhiệm. Cả năm đơn vị này đều được chuyên gia Úc huấn luyện, họ làm tốt cả, vậy tại sao lại nói chỉ riêng mình tôi có lợi ích trong đó. Họ đã hiểu nhầm hoặc cố ý hiểu nhầm khi nói vậy, thông tin sai lệch hết cả.

Nếu tôi vì lợi ích riêng trong câu chuyện này thì tội gì tôi phải đưa ra ý kiến, tội gì tôi phải phản biện mạnh mẽ? Lý do tôi có những phản biện mạnh mẽ, tôi ủng hộ phát triển mắc ca là vì tôi đã có nhiều năm nghiên cứu loài cây này, từ nghiên cứu các vùng trồng trong nước đến nghiên cứu ở những nước trồng mắc ca nhất nhì thế giới như Mỹ, Úc, Trung Quốc. Tôi hiểu rất rõ về mắc ca. Và tôi xuất phát vì lợi ích quốc gia, lợi ích người dân nên mới thẳng thắn nói tiếng nói của mình./.

Xin cảm ơn Giáo sư! 

img

Tôi hy vọng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nông nghiệp tới đây cần triệu tập cuộc họp  để lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các địa phương, người nông dân có kinh nghiệm thành công với cây mắc ca và các doanh nghiệp nêu ý kiến. Lúc đó Chính phủ quyết định quy hoạch cũng chưa muộn”.

GS Hoàng Hòe