Vòng 5 V.League 2016 chiều qua đã chứng kiến một câu chuyện không còn mới, đó là việc hầu hết các bàn thắng thuộc về những ngoại binh. Cụ thể, trong 20 bàn thắng được ghi, có 16 bàn thắng thuộc về các chân sút ngoại, 2 bàn từ đá phản lưới nhà (Nguyễn Tiến Duy – Than Quảng Ninh và Diệp Hoài Xuân – Đồng Tháp) và chỉ có 2 bàn đến từ các nội binh.
Errol Stevens lập hat-trick giúp Hải Phòng "nhấn chìm" HAGL. Ảnh: IT.
Tất cả những chân sút người Việt được kỳ vọng như Lê Văn Thắng, Hoàng Đình Tùng, Văn Toàn, Mạc Hồng Quân, Mạc Hồng Quân, Lê Hoàng Thiên, Phạm Văn Thành, Nguyễn Hải Anh... đều tắt tiếng. Thậm chí trong số những tiền đạo kể trên, mới chỉ có Văn Thắng, Văn Toàn và Anh Đức là lập công kể từ đầu giải, còn lại đều chưa có bất cứ pha làm bàn nào cả. Theo chiều ngược lại, những chân sút ngoại quen mặt như Odah Marshal (SLNA), Abdullahi Suleiman (QNK Quảng Nam), Đinh Hoàng Max, Ganiyu Oseni (XSKT.Cần Thơ), Errol Stevens (Hải Phòng), Osmar (HAGL), Nsi, Moses (B.Bình Dương)... tiếp tục ghi dấu ấn.
Tính từ đầu mùa giải tới giờ, đã có 83 bàn thắng được ghi, nhưng số bàn thắng đến từ cầu thủ nội chỉ là 36 bàn, 47 bàn còn lại đến từ các cầu thủ ngoại. Trong tốp 10 “Vua phá lưới”, cũng chỉ có Lê Xuân Hùng, vốn chơi ở vị trí tiền vệ cánh ở Hải Phòng, góp mặt với 3 bàn thắng. 9 vị trí còn lại thuộc về các ngoại binh. Trong đó dẫn đầu là Merlo (SHB.Đà Nẵng) và Stevens (Hải Phòng), khi mỗi người đều đã có 5 bàn.
Cần phải nói thêm rằng, trong tổng số hơn 350 cầu thủ góp mặt ở V.League mùa này, số cầu thủ ngoại (tính cả ngoại binh nhập tịch), chỉ chiếm hơn 8%. Tuy nhiên, đa số họ đều giữ những vai trò trọng yếu ở CLB của mình, đặc biệt là nơi hàng công. Trong cả 14 đội bóng dự V.League 2016, 100% sử dụng tiền đạo ngoại đá ở những vị trí cao nhất. Thực tế, rất rất nhiều trận đấu, các ngoại binh đã tỏa sáng để mang về chiến thắng chung cuộc cho đội bóng của mình.
Trong xu thế hội nhập và phát triển bóng đá, sử dụng các ngoại binh là điều tất yếu. Nó không chỉ giúp sức mạnh của các CLB tăng lên, mà còn làm tăng tính cạnh tranh lẫn nâng cao trình độ chung cho cả đội. Tuy nhiên, có một thực tế đau xót là khi các CLB V.League quá lạm dụng ngoại binh trong việc giải quyết trận đấu, nó đã vô tình giết chết bản sắc bóng đá của chính họ và sự phát triển của các chân sút nội.
Có lẽ ngoại trừ B.Bình Dương, HAGL và phần nào đó là Hà Nội T&T còn giữ được bản sắc riêng trong lối chơi của mình, những đội còn lại đa phần chơi bóng giống nhau: Cứ có bóng, phất lên phía trên cho các chân sút ngoại sử dụng ưu thế về tốc độ, thể lực và kỹ thuật cá nhân để dứt điểm. Hoặc họ sẽ đưa bóng ra cánh, rồi tạt vào trong để các ngoại binh không chiến...
Nhìn cách HAGL đá với SHB.Đà Nẵng, Đồng Tháp và Hải Phòng, thấy thật tội nghiệp cho triết lý mà bầu Đức hằng đau đáu. Đội bóng phố Núi cầm bóng nhiều, kiểm soát tốt tuyến giữa bằng những pha ban bật nhỏ, nhuyễn. Nhưng khi mất bóng và bị phản công, họ lập tức thất thế khi đối diện là những chân sút ngoại cao to, càn lướt tốt và không chiến tuyệt vời. 6/8 bàn thua của HAGL ở 3 trận kể trên đến theo một kịch bản như thế.
Tất nhiên, rất khó để loại bỏ các cầu thủ ngoại khỏi đời sống bóng đá Việt hay bất cứ quốc gia nào tại châu Á, thế nhưng rõ ràng VFF phải cần có biện pháp nào đó nhằm giúp các chân sút nội có cơ hội cạnh tranh những vị trí trên hàng công. Khi mà các chân sút nội cứ ngày một thui chột, cái giấc mộng bắt kịp hoặc qua mặt người Thái sẽ trở nên quá xa vời. Hoặc giả nếu đã phó mặc cho các chân sút ngoại làm mưa làm gió ở V.League, nên chăng VFF nên tận dụng nguồn cầu thủ nhập tịch để tăng thêm sức mạnh cho ĐTQG. Đó có lẽ cũng là một ý tưởng cần cân nhắc...