Thời gian qua, giới công nghệ đã được xem một cuộc chiến gây cấn giữa Apple và FBI trong vấn đề mã hóa dữ liệu. Mặc dù cuộc chiến này đã nguội dần nhưng nó chỉ là khởi đầu của một cuộc tranh luận rộng hơn về bảo mật thiết bị và an ninh quốc gia.
Mã hóa trên iPhone đã tạo ra một chủ đề "nóng".
Đỉnh điểm của cuộc tranh luận, Apple và các chuyên gia bảo mật đều ngỏ ý nên đưa vụ việc ra Quốc hội. Tới nay, một dự thảo luật soạn thảo bởi thượng nghị sĩ Diane Feinstein và Richard Burr đã xuất hiện, được cho là một kết quả có liên quan tới cuộc chiến này.
Dự luật này có tiêu đề "Tuân lệnh với Phán quyết của Tòa án năm 2016", với nội dung các công ty phải "đáp ứng thông tin minh bạch hoặc cung cấp dữ liệu hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho chính phủ theo lệnh của tòa án". Nếu dữ liệu đó thuộc dạng khó hiểu hay đã mã hóa thì dự luật này đòi hỏi công ty phải khiến cho chúng trở nên dễ hiểu.
Nói cách khác, bất kỳ dữ liệu nào được mã hóa trên điện thoại hoặc ứng dụng đều có thể được tòa án ra lệnh giải mã.
Một phần nội dung của dự thảo luật.
Các chuyên gia an ninh và những người ủng hộ quyền riêng tư đã phản đối dự thảo luật. Neema Singh Guliani, đại diện nhóm nhân quyền American Civil Liberties Union cho biết, dự luật này rõ ràng là một mối đe dọa đến sự riêng tư và bảo mật của tất cả mọi người.
"Thay vì xem xét những cảnh báo của các chuyên gia bảo mật, các thượng nghị sĩ lại viết một dự luật mà bỏ qua vấn đề kinh tế, an ninh và khả năng đáp ứng thực tế của kỹ thuật. Nó sẽ buộc các công ty phải cố tình làm suy yếu bảo mật của sản phẩm bằng cách tạo ra backdoor trong các thiết bị và dịch vụ. Thượng nghị sĩ Burr và Feinstein nên từ bỏ nỗ lực ép buộc các công ty tạo ra backdoor phục vụ chính phủ", Guliani tuyên bố.
Kevin Bankston, Giám đốc Viện Công nghệ Mở của tổ chức New America Foundation nói với Wired: "Đây là một đề xuất lố bịch và nguy hiểm nhất về mặt kỹ thuật mà tôi từng thấy".
Gaurav Laroia, nhà tư vấn chính sách cho quỹ Free Press Action cho biết trong một tuyên bố: "Dự luật này sẽ phá vỡ ý nghĩa của mã hóa và vi phạm quyền riêng tư của con người".
Dự thảo luật nói rất ít về hình phạt đối với các công ty và còn thiếu sót vấn đề kỹ thuật liên quan. Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là tính khả thi của dự luật. Ngoài ra, tùy thuộc vào hình phạt mà các công ty có thể từ chối thực hiện yêu cầu của tòa án.
Để tuân thủ nội dung của dự thảo luật này, các công ty công nghệ cao sẽ phải thiết kế công nghệ mã hóa mà có thể giải mã theo yêu cầu. Điều đó đi ngược hoàn toàn ý nghĩa của mã hóa người dùng cuối.
Thậm chí trong cuộc chiến giữa Apple với FBI, liên quan chiếc iPhone 5C của tay súng gây ra vụ xả súng ở San Bernardino (California, Mỹ), Apple từng lập luận rằng, chính phủ cơ bản buộc họ phát triển và duy trì một hệ điều hành mới để phục vụ FBI truy cập dữ liệu theo yêu cầu.
Trên blog của mình, Zdziarski lập luận: "Không có cách nào có thể thực hiện yêu cầu trên nếu không cố ý tạo ra backdoor trong mỗi sản phẩm bán ra tại Mỹ".