Chất lượng nước ngày càng xấu
Theo ông Bạch Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hiện nay có đến 95% lượng nước thô cung cấp cho các nhà máy nước của thành phố được lấy từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn nước trên sông Đồng Nai bị tăng độ màu, độ đục, khiến chất lượng nước suy giảm từ thượng nguồn đến hạ nguồn do ô nhiễm hữu cơ, vi sinh.
Nguồn nước ở đây còn có nguy cơ ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu dân cư, phương tiện giao thông thủy. Còn vào mùa khô, xâm nhập mặn tăng làm ảnh hưởng đến vị trí khai thác nước thô nhà máy nước Bình An. Tương tự, trong mùa mưa nước sông Sài Gòn cũng tăng độ màu, độ đục, ammonia..., nhất là từ hạ nguồn hợp lưu sông Thị Tính.
Người dân thành phố có nguy cơ thiếu nước sạch do BĐKH và ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: H.K
TS Lê Anh Tuấn - cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng nguồn nước cấp cho thành phố đang bị đe dọa. Riêng trên sông Đồng Nai, nguồn nước ngày càng ít do gia tăng hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh. Bên cạnh đó, một số công trình thủy điện làm đặc điểm sông thay đổi diễn biến theo mùa, vào mùa mưa nước quá thừa, còn mùa khô nước quá thiếu.
Nếu chỉ vì mục đích cấp nước mà xây dựng hồ trữ thì cần xem lại. Hồ chứa phải gắn với các lợi ích về kinh tế - xã hội bởi phạm vi tác động của hồ chứa lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trong khu vực. Dự án cần minh bạch, có ý kiến phản biện từ các nhà khoa học và đánh giá tổng thể các tác động, lợi ích của hồ chứa... Giáo sư Phan Tất Đắc (chuyên gia về thủy lợi) |
Theo TS Tuấn, hiện một phần nguồn nước cấp cho thành phố có sự điều tiết của hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An nhưng các hồ này không có chức năng cấp nước, bởi một hồ là tưới tiêu, còn một hồ là thủy điện. Nếu các hồ bị cạn sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của thành phố.
Cần có hồ trữ nước thô
Ông Bạch Vũ Hải cho biết, nguồn nước hiện nay vẫn đảm bảo cho người dân sinh hoạt, nhưng trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tác động của BĐKH ngày càng tăng, thành phố cần xây dựng hồ dự trữ nước thô, nghiên cứu lấy nước thô từ đầu nguồn. Theo đề xuất của Sawaco, hồ trữ nước thô cần xây dựng tại khu vực thượng nguồn ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn với diện tích tối thiểu 140ha.
Còn đại diện Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM cho rằng, thành phố cần có hệ thống hồ chứa nước thô, đủ để dự phòng trong vài ngày khi gặp các sự cố bất lợi do BĐKH, không thể lấy nước từ sông Sài Gòn. Có thể xây dựng dự án hồ chứa đa năng Bến Mương - Láng The, thuộc thuộc tiểu vùng 1 của khu tưới kênh Đông (Củ Chi), rộng 450ha. Hồ lấy nước từ kênh Đông và sông Sài Gòn để trữ với dung tích thiết kế 13 triệu mét khối. Khi đưa vào sử dụng, hồ Bến Mương - Láng The không chỉ trữ nước thô phục vụ cấp nước mà còn điều tiết lũ, bảo tồn và phát triển thiên nhiên, phát triển du lịch...
TS Lê Anh Tuấn lại cho rằng thành phố nên nghiên cứu xây dựng hồ trữ nước trên lưu vực sông Vàm Cỏ (thuộc tỉnh Long An). Đây là vùng đất thấp, có khả năng trữ nước tốt hơn thượng nguồn sông Sài Gòn, không phải lo chuyện xâm nhập mặn, ít nhất là 50 năm nữa. Nhưng để làm hồ chứa ở đây thì cần phải tính toán kích thước, quy mô cho phù hợp.