Dân Việt

Sôi sục kiến nghị bỏ mô hình trường học mới "hành" cả thầy lẫn trò

Tùng Anh 11/04/2016 17:31 GMT+7
Bài viết Tâm nguyện gan ruột giáo viên gửi tân Bộ trưởng Giáo dục gây “sốt” sau khi được đăng tải đã được các thầy cô chia sẻ “chóng mặt” trên các diễn đàn của giáo viên cả nước. Theo đó, tâm nguyện bỏ mô hình trường học kiểu “hành” học sinh thu hút được sự chú ý hơn cả.

Bản kiến nghị viết: “Mô hình trường học mới (VNEN) này thật sự không phù hợp ở Việt Nam. Nhiều thầy cô nói rằng nên học tập có chọn lọc và chỉ nên thực hiện ở một số nơi. Học kiểu này, em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém”.

Đồng tình với quan điểm này, facebook có nickname Trương Thúy Hằng (giáo viên, vừa là một phụ huynh có con đang theo học mô hình này) xót xa kể câu chuyện của chính con mình.

“Một tháng khi mới vào học tôi hỏi con có hiểu bài không, con trả lời: bài hiểu bài không nhưng không có thời gian để hỏi cô. Con cũng rất mỏi cổ vì phải ngoái lại để nhìn lên bảng. Vì những môn không học theo cách mới như tiếng Anh, nhạc, họa ngồi vòng tròn, chia bàn, khiến học sinh vẹo hết cổ… khi cần nhìn bảng. Tôi vẫn động viên con cố gắng. Nhưng một kỳ học trôi qua, con tôi vẫn bảo bài khó nhờ cô “cứu trợ” nhưng cô giảng rất đại khái, khiến học sinh càng học càng “u mê”. Con không chỉ vẹo cổ mà mắt cũng có hiện tượng lệch. Là một giáo viên, chẳng lẽ tôi lại đi tuyên truyền phản đối mô hình học này” - giáo viên này chia sẻ.

img

Một lớp học theo mô hình trường học mới tại Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thiêm

Tương tự, giáo viên có nickname Nguyễn Thu Hằng cho biết: “Mình cũng đang thực hiện mô hình VNEN thấy học sinh khổ trăm bề. Các con đều chung tâm sự không muốn học theo nữa, nhiều học sinh chuyển sang những trường chưa áp dụng mô hình mới này. Còn những em không xin chuyển được đành ngậm ngùi học theo. Học sinh ngồi học thì kêu đau lưng, mỏi mắt, kỹ năng làm bài thì ít vì cả kỳ các em mới có một bài kiểm tra”.

Một số giáo viên khác thì than “lên cấp 2 học nữa thì học sinh còn khổ”; “giáo viên và học sinh mệt lắm mà không dám kêu ai”; “Bộ trưởng mới liệu có làm thay đổi được điều gì?”.

Trước đó, đầu năm học 2015 - 2016, do không đồng tình với việc áp dụng mô hình VNEN ở cấp THCS, nhiều phụ huynh tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã lên tiếng phản đối và yêu cầu trường ngưng áp dụng chương trình này. Lý do phụ huynh trường này đưa ra là: "con tôi… không hiểu bài".

Đồng tình với những bất cập của mô hình này, GS Văn Như Cương cho rằng: áp dụng một cách máy móc mô hình của nước Colombia - một mô hình xuất phát từ ghép lớp ở nước khó khăn là không ổn.

GS Cương phân tích: “Với điều kiện cơ sở vật chất như Việt Nam hiện tại, muốn thực hiện được mô hình này mỗi lớp phải kê bàn ghế thành 6 “mâm”, mỗi “mâm” 6 - 7 người, các em không chỉ cứ cúi xuống để “ăn” mà phải vẹo đầu lên nhìn bảng. Trong khi nước bạn cho học sinh ngồi ghế xoay, cần nhìn thì xoay lại nhìn”.

Kỳ vọng ở tân Bộ trưởng mới, thầy Nguyễn Đức Long - giáo viên tiểu học tại Phủ Cừ (Hưng Yên) hy vọng: “Mong tân Bộ trưởng mới sẽ tỉnh táo hơn lắng nghe những ý kiến của giáo viên. Rất nhiều giáo viên muốn nói nhưng không dám ra mặt vì bệnh thành tích giáo dục, vì sợ bị… trù dập”.

“Được đưa vào thí điểm giảng dạy ở cấp tiểu học từ năm học 2011 - 2012, hiện nay, mô hình trường học VNEN đã áp dụng cho 1.447 trường tiểu học, dự kiến hết năm học 2015 - 2016 sẽ có trên 3.700 trường triển khai. Cũng trong năm học này, đã có nhiều trường THCS trên cả nước đưa vào thí điểm giảng dạy mô hình này.

Với mục tiêu “lấy học sinh làm trung tâm”, mô hình giảng dạy được triển khai thông qua cách tổ chức các hoạt động của học sinh trên lớp, giáo viên chỉ hướng dẫn để học sinh tự phát triển kiến thức, học sinh được học theo tổ, nhóm và có… hội đồng tự quản do học sinh làm chủ.