Dân Việt

Bầu Đức còn gì chưa thế chấp?

Hạ Minh-Phương Diệp 12/04/2016 06:40 GMT+7
Để có nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng, HAG sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp. Đáng chú ý, cả công trình khu liên hợp học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai hiện là tài sản thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng

Công ty bầu Đức đã dùng 5 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT, khô bã đậu nành, đàn bò trị giá 47 triệu USD và khu liên hợp học viện bóng đá làm tài sản thế chấp cho ngân hàng.

Ngày 11/4, Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015. Theo đó, doanh thu bán hàng của công ty này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do lãi vay tăng gấp đôi, giá vốn hàng bán tăng gấp 3 lần, lỗ chuyển từ các hoạt đông khác khiến tổng lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn chỉ ở con số 602 tỷ đồng, bằng 49% so với cuối năm 2014.

Trong thuyết minh về các khoản vay ngắn hạn của 3 ngân hàng, gồm Vietcombank chi nhánh Gia Lai, HDBank chi nhánh Đồng Nai, BIDV và Ngân hàng Lào Việt, công ty này đang có khoản dư nợ đến cuối năm 2015 là gần 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm.

Để có nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng, HAG sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp. Đáng chú ý, cả công trình khu liên hợp học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai hiện là tài sản thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng của công ty trong hợp đồng có lãi suất 5,05-10,5%, có thời hạn thanh toán là từ ngày 25/1 đến 11/9/2016.

img

Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAG.

Toàn bộ đàn bò trị giá 47 triệu USD và các tài sản hình thành từ vốn vay tài trợ cho đàn bò thịt cũng được sử dụng để làm tài sản thế chấp cho hai hợp đồng tín dụng với ngân hàng Lào - Việt của HAG. Ngoài ra, khô bã đậu nành và 5 triệu cổ phiếu của bầu Đức được sử dụng để làm tài sản thế chấp cho món vay trị giá gần 170 tỷ đồng tại HDBank.

Các khoản vay dài hạn của HAG tại ngân hàng tính đến cuối năm 2015 là hơn 9.745 tỷ đồng, trong đó gần 1.200 tỷ đến hạn trả. Để tài trợ cho hàng chục hợp đồng vay vốn dài hạn, công ty này đã vay cả bằng hơp đồng thế chấp tài sản lẫn tín chấp.

Trong đó, tài sản thế chấp bao gồm gần 43 triệu cổ phiếu của bầu Đức, 28,4 triệu cổ phiếu HNG mà HAG nắm giữ, các tài sản thuộc nhiều nhà máy thủy điện cà cả tổng tài sản được hình thành trong tương lai từ dự án trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar.

Tại văn bản giải trình các vấn đề kiểm toán lưu ý, Hoàng Anh Gia Lai cho biết về vấn đề diễn biến và kết quả nghiệp vụ tái cơ cấu nợ, công ty này đang làm việc với các chủ nợ và xin phê duyệt từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do yêu cầu bảo mật của các chủ nợ cũng như cơ quan chức năng, HAG không được công bố các thông tin về diễn biến này trước khi nghiệp vụ hoàn thành. "Chúng tôi sẽ công bố thông tin chi tiết ngay khi được phép", HAG viết trong văn bản giải trình ký ngày 11/4.

Ngoài ra, về các nghiệp vụ với các bên liên quan, do đây là hoạt động cần thiết để phục vụ việc sản xuất kinh doanh của HAG và đảm bảo hài hòa lợi ích của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và tài sản cá nhân của vị này, nên với các thiếu sót về thủ tục, công ty này sẽ tham khảo ý kiến luật sư để sớm khắc phục và hoàn thiện.

Nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Trước đó Hoàng Anh Gia Lai (HAGL- HAG) đã công bố báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2015, với lãi ròng chỉ còn 502 tỷ đồng, giảm hơn 70 tỷ đồng.

Kiểm toán viên đã nhấn mạnh yếu tố HAG vi phạm một số điều khoản của khoản vay trái phiếu.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng cung cấp dịch vụ của HAGL tương đương so với trước kiểm toán là 62.52 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán bò chiếm chủ yếu tới 41% khi đạt 2.541 tỷ đồng, sản phẩm ngành đường đạt 1.040 tỷ đồng, doanh thu từ hợp đồng xây dựng chỉ đạt 871 tỷ đồng và thanh lý bất động sản đầu tư 252 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán, giá vốn hàng bán tăng lên 121 tỷ đồng so với mức 4.277 tỷ đồng trước đó kéo lãi gộp giảm ở mức tương ứng. Doanh thu tài chính cũng giảm xuống 1.053 tỷ đồng so với mức 1.076 tỷ đồng trước kiểm toán. Chi phí tài chính giảm nhẹ xuống 1.203 tỷ đồng so với 1.203 trước đó, trong đó chủ yếu do lãi vay giảm.

Tính chung, HAGL ghi nhận lãi ròng cả năm 2015 còn 502 tỷ đồng, giảm hơn 70 tỷ đồng so với con số 574 tỷ đồng từ báo cáo tự lập và mức lãi này giảm tới 65% so với kết quả của cùng kỳ năm 2014.

Đặc biệt, Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho biết trong các khoản vay và trái phiếu phải trả trị giá 27.099 tỷ đồng tại ngày 31/12/2015 sẽ có 8.297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2016.

Ernst & Young Việt Nam đánh giá: “HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu. Những vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tủa tập đoàn”.

Hiện tại HAGL vẫn đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ và xin phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nói trên.

Ngoài ra, Kiểm toán cũng nhấn mạnh việc HAGL có khoản cho các bên liên qua vay ngắn hạn và dài hạn trị giá lần lượt 821 tỷ đồng và 5.050 tỷ đồng mà chưa được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cuối tháng 3/2016 vừa qua, một số ngân hàng là chủ nợ của HAGL do BIDV chủ trì đã nhóm họp tại Hà Nội để bàn về việc tái cơ cấu nợ cho HAGL trước việc HAGL có tổng nợ lên tới 31.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với vốn chủ sở hữu của công ty.