Phiên giao dịch sáng 12/4 chứng kiến đà rút chạy của nhà đầu tư khỏi cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (công ty con). Hiện ông Đoàn Nguyên Đức đều là Chủ tịch của 2 công ty này.
Mức giá sàn được thiết lập từ đầu phiên với hàng loạt các lệnh bán cổ phiếu HAG và HNG với số lượng lớn, khiến giá giảm hết biên độ xuống 6.900 đồng. Đến khoảng 11h30, HAG đã khớp lệnh 8,3 triệu cổ phiếu trong khi HNG khớp lệnh 4 triệu đơn vị. Sự lo lắng của nhà đầu tư tăng cao khiến các lệnh mua vào thưa thớt sau đó, nhiều thời điểm trắng bên mua.
So với đầu năm 2015, cổ phiếu HAG đã giảm 15.300 đồng, tương ứng giảm giá gần 70%. Cổ phiếu HNG, kể từ khi lên sàn cuối tháng 7/2015 với mức giá 33.500 đồng, đến nay đã mất gần 80% giá, tương ứng 26.600 đồng.
Cổ phiếu HNG và HAG có phiên giảm mạnh do tác động tiêu cực của thông tin báo cáo tài chính đã được kiểm toán được công bố cuối ngày 11/4.
Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn bốc hơi 77 tỷ đồng xuống 602 tỷ đồng so với báo cáo trước đó. Nguyên nhân là Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đề nghị điều chỉnh tăng giá vốn trích trước của sân bay Nọng Khang (Lào) thêm 124 tỷ đồng. Kiểm toán viên cũng yêu cầu giảm 47 tỷ đồng các khoản phải chi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn và báo cáo tài chính hợp nhất công bố được lập với giả định Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh liên tục.
Hiện Hoàng Anh Gia Lai đang có số dư vay nợ 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng BIDV, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV, Eximbank, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank… Công ty cho biết đang đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu, khi đạt được thoả thuận sẽ công bố với các nhà đầu tư.
Năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai có doanh thu hơn 6.200 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2014 nhưng chi phí vay lãi lớn khiến lợi nhuận công ty giảm sút.
Chia sẻ thêm về những khó khăn đang gặp phải, vị lãnh đạo này cho biết chủ yếu đến từ lĩnh vực cao su. "Làm ăn kinh doanh có lúc này lúc kia. Cũng như cách đây 10 năm, không ai nghĩ giá dầu giảm xuống dưới 30 USD một thùng", ông bình luận. Theo đó, khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào cao su, bỏ vốn 1.300 USD có thể bán được 5.500 USD một tấn. Song hiện có lúc giá giảm về 1.100 USD nên việc doanh nghiệp khó khăn được ông Đức nhận định là bình thường, dù các lĩnh vực khác đều đang hoạt động tốt.
"Điều tôi thấy xót xa và trăn trở nhất là nhà đầu tư đang bị thiệt hại khi cổ phiếu rớt giá. Cổ phiếu xuống thì doanh nghiệp không thể nói hay được gì. Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu tập đoàn, tôi mong nhà đầu tư lúc này nên bình tĩnh, nhìn vào những dự án đang hiệu quả của Hoàng Anh Gia Lai để tránh hối tiếc về sau này", ông chia sẻ.
Trước đó, Tổng giám đốc Võ Trường Sơn cũng cho biết trong thời gian tới, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, gồm chăn nuôi bò, trồng thêm 6.000 ha mía đường tại Lào và 30.000 ha dầu cọ. Lĩnh vực dầu cọ, tập đoàn đã xây nhà máy, vận hành thử và cho kết quả tốt. Đồng thời, trồng thêm 30.000 ha cao su và đầu tư cho tổ hợp dự án bất động sản tại Myanmar. Hôm qua (11/4), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức công bố báo cáo kiểm toán năm 2015. Theo đó, doanh thu công ty đạt trên 6.200 tỷ đồng nhưng do chi phí vay lãi lớn khiến lợi nhuận giảm sút chỉ còn 602 tỷ đồng. Doanh thu lớn nhất của tập đoàn đến từ việc nuôi bò và xây dựng... |