Trong không khí những ngày làm việc cuối cùng trước dịp nghỉ lễ hướng về Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2016, trên nhiều diễn đàn đăng tải những băn khoăn với nhiều câu hỏi “vì sao” được đưa ra xoay quanh dịp Giỗ Tổ và ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ. Cụ thể, những thắc mắc về lịch sử Việt Nam có 18 vị Vua Hùng trong khi chỉ có một ngày Giỗ Tổ.
Facebooker Trọng An thắc mắc: “Có 18 vị vua Hùng. Về lý thuyết, các cụ khó có thể mất cùng ngày…” Hoặc trên fanpage “Hải Phòng” đặt câu hỏi: “Việt Nam có 18 vị vua Hùng! Và chúng ta được nghỉ 1 ngày. Vậy 17 vị còn lại không làm giỗ sao?”
Trẩy hội Đền Hùng. Ảnh minh họa từ internet
Facebook Kingluan Han cho rằng: “Không giỗ riêng các vị vua. Giỗ cả triều đại. Để tưởng nhớ thôi mà”, nhiều ý kiến khác cũng đồng tình.
Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Trước đây, cha ông ta tổ chức Giỗ Tổ vào tháng 8 nhưng cụ thể ngày nào chưa rõ.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ).
Ngay trong tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng xác nhận rằng: Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (Dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng 3) do dân sở tại làm lễ”.
“Từ đó, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm gọi là ngày Giỗ Tổ chung của các vị vua Hùng, không riêng là ngày giỗ của một vị vua Hùng nào cả” – PGS.TS Bùi Xuân Đính nói.
Ở góc độ khác, theo GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam: “Con số 18 là con số huyền thoại lý giải cho người Việt biết về gốc rễ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Sự kiện huyền thoại không có thật nhưng đôi khi sự huyền thoại tác động mạnh đến sự thật. Và sự thật ở đây là phản ánh cội nguồn của dân tộc ta.
Nói về ngày 10 tháng 3 Âm lịch tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm, xét từ quan điểm âm dương, có thể cắt nghĩa đó tháng 3 là biểu tượng cho người mẹ. Giỗ mẹ - biểu tượng của âm. Đồng thời là tháng vũ trụ dương khí lên cao nhất, cho nên sẽ tạo nên sự hài hòa giữa vũ trụ và con người mang ý nghĩa tốt đẹp. Ngày Giỗ Tổ là giỗ sẽ là ngày giỗ chung cho tất cả các vị Vua Hùng”.