Tại Hội nghị Mã hóa và Giám sát vừa diễn ra ở Trường ĐH Kenyon (bang Ohio, Mỹ), ông James Comey - Giám đốc FBI cho biết, công cụ mở khóa iPhone của cơ quan này không hoạt động trên iPhone 5S trở về sau, bao gồm cả iPhone 6 và iPhone 6S.
James Comey, Giám đốc FBI. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, vào cuối tháng 3.2016, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã tìm được bên thứ ba giúp họ mở khóa chiếc iPhone 5C của nghi can Farook trong một vụ xả súng xảy ra cuối năm 2015. Đồng thời, FBI cũng tạm ngưng vụ kiện liên quan với Apple.
Theo nhiều báo cáo, công ty này đến từ Israel, có mối quan hệ và được cho là "hiệp sĩ trắng" của FBI. Theo tờ Yedioth Aharonot của Israel, công ty bí ẩn trên có tên Cellebrite. Tuy nhiên, cả FBI và Cellebrite đều từ chối xác nhận mối quan hệ đôi bên.
iPhone 5C mà nghi can Syed Farook sử dụng được Apple ra mắt năm 2013 và hiện chúng đã ngưng sản xuất. Tại hội nghị vừa qua, giám đốc FBI cũng xác nhận thiết bị này chạy hệ điều hành iOS 9 và công cụ mở khóa được mua từ một công ty tư nhân ngoài nước Mỹ.
Đối với một trường hợp khác, liên quan tới một chiếc iPhone 5S trong một cuộc điều tra ma túy tại New York, Bộ Tư pháp Mỹ có thể sẽ phải yêu cầu tòa án ở New York gây áp lực buộc Apple giúp họ truy cập dữ liệu bên trong nếu FBI “bó tay”.
Theo một kỹ sư của Apple, dù FBI có mở khóa iPhone thành công hay chưa thì Apple cũng sẽ sớm nắm được kỹ thuật đó và vá lỗi ngay lập tức.
Trong một diễn biến khác, sau khi cuộc chiến giữa Apple và FBI tạm lắng xuống, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã soạn ra một dự thảo luật mới. Trong đó, nội dung chính là yêu cầu các công ty phải giải mã, cung cấp dữ liệu cho tòa án khi có yêu cầu. Dự luật này bị các chuyên gia công nghệ và bảo mật lên án mạnh mẽ vì vi phạm nghiêm trọng ý nghĩa của mã hóa dữ liệu.