Khi cô bé nhỏ đòi mẹ mua kẹo ở siêu thị, người mẹ không đồng ý bởi nó không tốt cho răng. Cô bé bắt đầu mè nheo khóc lóc. Người mẹ tìm thấy iPad trong túi xách và liền đưa cho con gái để dỗ bé. Cô bé liền nín khóc ngay lập tức. Đây không phải là trường hợp duy nhất bố mẹ dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad để dỗ con làm theo ý mình – chưa kể rất nhiều trẻ vị thành niên có thể sử dụng thành thạo các thiết bị này - chúng thực sự đang đánh mất cơ hội trải nghiệm thế giới thực bên ngoài.
Sue Palmer, nhà tâm lý học, đã chứng kiến rất nhiều trẻ nhỏ thậm chí còn đi chưa vững cũng đã có khả năng lướt điện thoại rất rành. Đã 10 năm kể từ lúc chuyên gia này xuất bản cuốn sách Toxic Childhood, cảnh báo về nguy cơ của việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ tác động không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Chuyên gia cho biết mình là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng công nghệ sẽ xâm nhập vào cuộc sống của những người trẻ tuổi – thậm chí là những trẻ rất nhỏ cũng trở thành “nô lệ” của công nghệ trong khi những trẻ lớn hơn thì sử dụng rất thường xuyên. Càng ngày các trò chơi video bạo lực trở nên quá phổ biến và trẻ em thường dành nhiều thời gian để xem TV.
Ngày nay, trung bình trẻ em dành 5 - 6 giờ ngồi trước màn hình, thậm chí là hai ba màn hình một lúc, chẳng hạn như vừa xem iPad lẫn TV. Công nghệ phát triển nhanh đến mức cha mẹ khó có thể kiểm soát được. Chúng sẽ trở thành một thế hệ thụ động và hậu quả lâu dài chưa thể đo đếm hết được.
Ảnh: mrlista.
Ngay cả trước khi iPad xuất hiện trên thị trường vào năm 2010, các chuyên gia đã cảnh báo khoảng 80% trẻ em đến trường có thành tích học tập không tốt do lối sống thụ động. Chuyên gia cũng nhận ra rằng ngày càng nhiều trẻ được kê đơn thuốc cho chứng tăng động giảm chú ý, tỷ lệ cao gấp 4 lần trong vòng chưa đến một thập kỷ.
Trên website cá nhân, Sue Palmer còn cho rằng sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì, rối loạn giấc ngủ và tính cách trở nên hung hăng. Có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử với chứng béo phì, rối loạn giấc ngủ, hung hăng, kỹ năng xã hội yếu kém, trầm cảm và thành tích học tập kém. Một nghiên cứu gần đây ở Anh phát hiện ra khoảng 10% trẻ em dưới 4 tuổi được bố mẹ dỗ đi ngủ bằng cách cho phép sử dụng máy tính bảng hay điện thoại cho đến khi buồn ngủ. Một khảo sát các gia đình cho biết 1/3 số trẻ dưới 3 tuổi có máy tính bảng riêng. Các cửa hàng đồ dùng cho trẻ em thậm chí còn bày bán các dụng cụ giữ máy tính hay điện thoại để trẻ em xem được dễ dàng hơn. Trong khi đó, rất ít người biết rằng ông chủ Apple là Steve Jobs không hề cho phép con mình dùng iPad. Giá mà mọi người đều biết sự thật này và làm theo tấm gương đó.
Nếu trẻ bắt đầu sử dụng các thiết bị này từ quá nhỏ thì sẽ khó từ bỏ sau đó. Đây không phải là mối lo duy nhất. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện mà vấn đề còn nằm ở chỗ trẻ sẽ bỏ lỡ nhiều điều thú vị trong cuộc sống thực. Trẻ ngày càng ít có cơ hội chơi thực sự để học được những kinh nghiệm thực tế và chúng không thích chơi hay giao lưu với mọi người.
Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất về vấn đề này là về một đứa trẻ 10 tuổi ở London. “Con ngồi trong phòng mình và dùng máy tính, khi con cảm thấy đói, con nhắn tin cho mẹ và mẹ sẽ mang pizza lên phòng cho con”.
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất lo lắng nhưng không thể giải quyết được tình trạng này bởi họ cũng rất bận rộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Tuy vậy việc chơi thực sự là rất cần thiết với sự phát triển sinh học của trẻ. Một nhà tâm lý học cho biết điều này là tối quan trọng cho sự phát triển sức khỏe của trẻ tương tự như việc ăn hay ngủ.
Nếu các dây thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát phản ứng về mặt xã hội và trí tưởng tượng không được phát triển khi trẻ còn nhỏ thì chúng sẽ không thể phát triển sau này. Trẻ không có khả năng trí tuệ không thể tự tạo niềm vui cho bản thân, không biết chơi một mình hay xây dựng tình bạn với người khác - bởi vì trẻ không ngừng dành thời gian trước màn hình máy tính.
Việc chơi ở đây bao gồm chạy nhảy, leo trèo… cho phép trẻ tăng cường thể chất. Chơi đóng kịch là trò chơi có tính sáng tạo giúp trẻ thể hiện cá tính nhiều hơn. Ngoài ra, việc vui chơi phát triển sự chủ động, sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề và những đặc tính tốt khác như thái độ sẵn sàng đương đầu với mọi việc và sự ổn định trong cảm xúc. Điều này cũng rất quan trọng đối với các kĩ năng xã hội. Bằng việc chơi cùng bạn, trẻ học cách xây dựng mối quan hệ tốt với nhau. Chúng sẽ khám phá được suy nghĩ của người khác như thế nào, từ đó phát triển tính cảm thông. Việc chơi đùa xuất phát từ mong muốn khám phá thế giới xung quanh, tạo nên nền tảng cho việc học tập của trẻ sau này. Đây cũng là cách giúp trẻ phát triển trí tuệ - sự tò mò, giải quyết vấn đề, thích nghi hoàn cảnh và khả năng nhận biết sự việc.
Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem TV hay máy tính và tối đa là 2 giờ mỗi ngày với trẻ trên 3 tuổi. Nguyên nhân không chỉ là vì có sự liên hệ giữa thời gian sử dụng các thiết bị điện tử với chứng giảm trí nhớ, mà bởi nó triệt tiêu các hoạt động cần thiết để phát triển cơ thể và trí óc khỏe mạnh.
Ảnh: joannamarple.
Trẻ em sinh ra luôn có mong muốn tìm hiểu về thế giới, vì vậy, chúng sẽ có động lực rất lớn để tương tác với mọi người và sự vật xung quanh. Đó là lý do vì sao chúng rất thích chơi những trò chơi “ngốc nghếch” như đi tìm đồ vật xung quanh nhà. Đây là cách giúp trẻ phát triển kĩ năng phối hợp thể chất và xã hội.
Nếu trẻ em được tiếp xúc ngay lập tức với các thiết bị điện tử, chúng không muốn chơi những trò tương tác khác nữa. Những hình ảnh trên màn hình cũng rất hấp dẫn như thế giới thực và chúng còn có thể điều chỉnh theo ý mình. Mỗi khi có thể điều khiển theo ý muốn, chúng sẽ cảm thấy rất vui như là khi được ôm hay tắm mát. Nhưng khi được chơi máy tính, chúng sẽ chẳng thiết đến những trò chơi đòi hỏi vận động hay tư duy khác.
Nhà khoa học thần kinh Susan Greenfield nói rằng “Bạn không thể đặt trẻ trước màn hình máy tính và hy vọng chúng sẽ phát tiển khả năng tập trung”. Chuyên gia còn bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của công nghệ với khả năng ngôn ngữ “Tập đọc sẽ giúp trẻ sắp xếp những suy nghĩ theo trình tự hợp lý. Trong khi đó, nhìn chằm chằm vào màn hình sẽ đặt não bộ của trẻ vào những hình ảnh không thực”.
Tiến sĩ Aric Sigman, người thu thập kho dữ liệu khổng lồ về nghiên cứu mối liên hệ giữa việc trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử với chứng tăng động giảm chú ý, tự kỷ và rối loạn hành vi tình cảm cũng chỉ ra rằng việc xem máy tính quá nhiều tỷ lệ nghịch với khả năng đọc sách. “Không giống như những hình ảnh trong máy tính, chữ viết bất động, không tạo ra âm thanh, không nhảy múa. Cuối cùng, những hình ảnh sống động đó sẽ đánh bại những con chữ nhàm chán trong sách”.
Thêm vào đó, việc xem quá nhiều máy tính không giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn. Việc vui chơi giúp trẻ đối mặt với các thử thách bản thân, học từ những sai lầm, tự đứng dậy khi vấp ngã và hòa đồng với bạn bè, tất cả những yếu tố này sẽ giúp trẻ tự tin hơn và có tinh thần mạnh mẽ, bền bỉ hơn mỗi khi gặp khó khăn. Đây là điều không thể thiếu cho sức khỏe tinh thần của trẻ, nhất là trong thế giới đầy áp lực như hiện nay. Thực tế là gần đây những người trẻ tuổi ở Anh trở nên buồn bã, cô đơn, thiếu tự tin và sẵn sàng làm tổn thương bản thân.
Nếu bạn muốn thế hệ trẻ sau này lớn lên khỏe mạnh, cân bằng, tinh thần lành mạnh để có thể học cách sử dụng máy tính một cách thông minh, bạn cần hành động ngay lập tức.
Việc này đồng nghĩa với việc hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, dành nhiều thời chơi đùa với con và chắc chắn là con bạn được vui chơi ngoài thiên nhiên. Nhiều trẻ em cho biết chúng không thể ngừng sử dụng công nghệ bởi đó là cách bắt kịp xu hướng của thế giới. Công nghệ hiện đại phát triển với tốc độ chóng mặt và những kĩ năng IT mà trẻ học được dưới 7 tuổi cũng sẽ không còn tác dụng khi chúng bước vào độ tuổi vị thành niên. Nhưng sự tự tin, sức sáng tạo, kĩ năng xã hội, sự bền bỉ về tinh thần cũng như khả năng suy nghĩ tập trung sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sự phát triển của trẻ trên đường đời.