Dân Việt

Làm khó nhà đầu tư mua cổ phần “ế”: Chắc chắn có lợi ích nhóm

Trần Giang 13/04/2016 18:00 GMT+7
Một số chuyên gia nhận định, nhóm 3 nhà đầu tư bị làm khó khi muốn mua 550.000 cổ phần “bán ế” trong lần đấu giá đầu tiên của Công ty Xây dựng và phát triển nhà Hà Nội (CT46) là có lớn ích nhóm đằng sau.

img

Theo một chuyên gia tài chính, chỉ cần phân tích các chính sách về cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian gần đây sẽ lý giải được phần nào động lực đằng sau sự dùng dằng của lãnh đạo CT46.

“Việc quy trình đấu giá của 3 nhà đầu tư trên diễn ra hợp lệ nhưng doanh nghiệp vẫn trì hoãn có thể lý giải là cố tình “câu giờ”, khiến nhà đầu tư nản lòng và không tiếp tục tham gia đấu giá”, vị này phân tích.

Vị này phân tích, theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, sau khi doanh nghiệp bán đấu giá 2 lần không thành công thì số cổ phần này sẽ được hợp thức hoá và bán rẻ cho người lao động với giá bán bằng 60% mệnh giá, ở mức 6.000 đồng/cổ phần.

“Tôi phỏng đoán rằng sau khi mua toàn bộ cổ phần dưới danh nghĩa người lao động, nhóm này sẽ bán trao tay và hưởng chênh lệch ngay lập tức. Thậm chí, họ có thể gọi chính các NĐT đã tham gia đấu giá để bán lại”, vị này nêu giả thiết.

Thử làm một bài toán đơn giản để tính toán sơ bộ mức lợi nhuận mà nhóm lợi ích có thể nhẹ nhàng đút túi với những “động tác giả” nói trên. Theo đó, với mức giá bán thành công bình quân của nhà đầu tư trong phiên đấu giá là 12.207 đồng/cổ phần, thì 965.000 cổ phần này, theo đúng kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ có giá trị khoảng 11,78 tỷ đồng.

“Như vậy, sau khi sang tay với mức giá tạm tính trên, lợi nhuận dư ra sẽ là hơn 6 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền ước tính Nhà nước bị thất thoát nếu kịch bản trên được thực hiện trót lọt.Đây là lý giải hợp lý và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại”, vị chuyên gia này phân tích.

Bởi khó có thể có động lực nào khác đủ lớn để lãnh đạo doanh nghiệp cố tình thực hiện trái với chỉ đạo của TP. Hà Nội trong công tác cổ phần hóa.

Nhìn rộng ra, thì những trường hợp cố tình chây ỳ hoặc gây khó dễ cho nhà đầu tư, chính là hiện tượng cho thấy công tác cổ phần hóa không thực chất. Tính về số lượng theo hồ sơ thì hơn 90% DNNN đã được cổ phần hóa xong vì đã được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thực sự bán được hay không và muốn bán hay không thì lại là câu chuyện mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, khẳng định các chính sách cổ phần hóa đã thể hiện Nhà nước rất minh bạch trong việc rút vốn, đồng thời tạo điều kiện bán rẻ cổ phần cho người lao động để đẩy mạnh thoái vốn, và hi vọng người lao động gắn bó, tự chủ trên doanh nghiệp của mình.

“Tuy nhiên cũng từ những chính sách mạnh tay này mà nhiều đối tượng đã lợi dụng, tìm kiếm kẽ hở để vun vén cho lợi ích nhóm.Điều này cũng lý giải phần nào cho việc quyết tâm cổ phần hóa đã rất mạnh từ cấp quản lý cao nhất, song khi tới khâu thực thi thì lại gặp độ trễ. Cũng vì lý do này mà nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng mất niềm tin”, ông Kiên bình luân.

Biểu hiện dễ nhận thấy là trong các kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp hay những báo cáo đánh giá triển vọng đầu tư của các tổ chức quốc tế gần đây đã không còn nội dung thúc giục Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hoá.

Đơn cử như Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, trong báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ tổ chức giữa năm 2015 vẫn khẳng định “Hoạt động tái cấu trúc diễn ra với tốc độ chậm”.

Song từ đó tới nay, các kiến nghị của Eurocham đã không còn nhắc đến cổ phần hóa dù trước đây nhà đầu tư châu Âu bày tỏ rất quan tâm tới lĩnh vực này.

Về lâu dài, chậm trễ cổ phần hóa cũng khiến kỳ vọng có một "sân chơi bình đẳng" giữa các công ty tư nhân và các DNNN sẽ còn là đích đến rất xa.