USS Chung-Hoon là tàu khu trục hạm, từng thực hiện nhiều hoạt động trên các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương, với các nhiệm vụ chủ yếu là cứu trợ nhân đạo, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Mới đây tàu này đã tham gia cuộc tập trận cùng hải quân Philippines tại phía đông Biển Đông trong 11 ngày.
Khu trục hạm tàu hải quân USS Chung-Hoon |
>> Cận cảnh tàu Hải quân Mỹ USS Chung-Hoon
Tàu được trang bị hệ thống điều khiển tác chiến trên biển Aegis thuộc lớp Arleigh Burke, được hạ thuỷ năm 2003. Tàu USS Chung-Hoon còn được biết đến là tàu có sức mạnh nhất trong hải quân Mỹ hiện nay.
Theo ông Tom Carney, Đô đốc Hải quân, Tư lệnh Đặc nhiệm 73, Tư lệnh, Lực lượng Hậu cần Tây Thái Bình Dương, việc đón người dân, du khách cùng báo chí lên thăm quan tàu USS Chung-Hoon, nhằm mục đích cho người dân thấy và khẳng định lại một lần nữa, đây chỉ là hoạt động giao lưu định kỳ hàng năm đã được hai bên thoả thuận từ trước nhằm tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước. Đồng thời, Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động nhân đạo; trao đổi kinh nghiệm, kỷ năng về hoạt động chuyên môn hải quân, điều khiển, bảo trì tàu và tìm kiếm cứu nạn.
Các hoạt động này giúp thủy thủ hai nước hiểu nhau hơn và xây dựng các mối quan hệ quan trọng giữa Hải quân hai nước trong tương lai, chứ không có cuộc tập trận nào như báo chí nước ngoài đã cho biết trước đây.
Trong ngày, tàu USS Chung-Hoon đã đón hàng trăm lượt khách: học sinh, sinh viên, báo chí trong và ngoài nước, người dân, du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu. Trên tàu, ông Tom Carney đã cho người dân, du khách Việt Nam được “mục sở thị” phòng tàu chỉ huy, buồng lái chính, nhà ăn, nơi làm việc của của các sĩ quan hải quân trên tàu, nơi đặt máy bay, các thiết bị hải quân phục vụ cho hoạt động của tàu …
Ngoài tàu USS Chung-Hoon cập cảng Tiên Sa hôm 15.7 còn có tàu USS Preble cũng là khu trục hạm lớp Arleigh Burke giống USS Chung-Hoon, được đưa vào hoạt động từ năm 2002. Do đó trang bị của hai khu trục hạm nói trên tương tự nhau với nhiều loại tên lửa gồm tên lửa hành trình Tomahawk. Trên hai tàu đều có bãi đáp cho hai chiếc trực thăng chiến đấu SH-60 Sea Hawk.
Trong khi đó, USNS Safeguard không phải chiến hạm mà là tàu cứu hộ hàng đầu của hải quân Mỹ, được hạ thuỷ từ năm 1983. Con tàu này có thiết kế vững chắc, kết hợp với tốc độ và sự bền bỉ, thích hợp với mọi chiến dịch cứu hộ trên toàn thế giới.
Vũ Vân Anh