Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NNPTNT, trong thời gian tới ngành sẽ tăng số lần thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo ông Việt, việc thanh tra theo kế hoạch thường gặp phải các khó khăn như phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục, trình tự yêu cầu của pháp luật. Trong khi đó, việc thanh tra đột xuất có thể bỏ qua được nhiều khâu thủ tục, đẩy nhanh quy trình thanh, kiểm tra nhưng đem lại hiệu quả cao.
Thời gian tới, lực lượng thanh tra sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Ảnh: Internet
Ông Việt cho rằng, trong năm 2016, thanh tra ngành nông nghiệp sẽ tăng tỉ lệ số lần thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch lên bằng nhau. Con số này sang năm 2017 sẽ là 70% thanh tra đột xuất và 30% thanh tra theo kế hoạch.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay, ngành nông nghiệp phải xác định được cả nước cần bao nhiêu tấn kháng sinh, cụ thể là những loại nào… Từ đó, đưa vào kiểm soát đặc biệt những loại kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong nông nghiệp.
“Năm nay, ngành thanh tra đặt mục tiêu khống chế hết nguồn phân bón và thuốc BVTV nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc, đồng thời sẽ kiểm tra 70% các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác trong nước”, ông Việt nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT thì khẳng định rằng, ngành nông nghiệp quyết tâm “dẹp hết” các nguồn gốc của thực phẩm bẩn trong năm nay, đồng thời, hết quý 2, ngành nông nghiệp sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu, gồm kháng sinh, thuốc BVTV, phân bón và các chất cấm khác.
Đặc biệt, ông Tám yêu cầu các địa phương phải xử lý cho bằng được tình trạng sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi và chất vàng ô trong thực phẩm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp trong năm nay cũng đẩy mạnh việc kết nối các cơ sở sản xuất nông nghiệp đã được chứng nhận các tiêu chuẩn ATTP đến người tiêu dùng.
“Các địa phương phải thực hiện giới thiệu, công bố được các địa chỉ sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đến cuối năm, địa phương nào không làm được sẽ phải chịu các hình thức đánh giá, xếp loại. Việc này phải làm căng chứ không thể chỉ chia sẻ kinh nghiệm chung chung được”, ông Tám nhấn mạnh.