Thuộc thế hệ đầu tiên của đấu kiếm Việt Nam từng được đầu tư đặc biệt chuẩn bị cho SEA Games 2003 tổ chức trên sân nhà, lúc này, những đồng đội cùng thời với Lệ Dung hoặc đã giải nghệ để chăm lo cho hạnh phúc gia đình, hoặc cũng đã làm xong bổn phận người vợ, người mẹ, rồi mới quay lại sàn đấu tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong vai trò HLV. Ấy vậy mà Dung thì vẫn duy chỉ có 1 người bạn, “người yêu” duy nhất là thanh kiếm đã ở bên mình suốt hơn chục năm qua.
Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dũng ăn mừng sau khi giành vé dự Olympic 2016 ở tuổi 31. Ảnh: facebook nhân vật.
Ngày Dung giành “cú đúp vàng” ở SEA Games 2015 cách đây gần 1 năm tại Singapore, vui chung với niềm vui của Dung nhưng người viết không khỏi chạnh lòng khi nói bâng quơ về chuyện yêu đương. Lúc đó, Dung chỉ gượng cười mà tếu táo lại rằng: “Anh xem có anh nào giới thiệu cho em với, không em ế mất!”.
Thời gian qua đi, dõi theo những bước chân của Dung trong những năm cuối cùng của sự nghiệp, người viết hiểu có những thời điểm Dung chán nản lắm và muốn buông bỏ tất cả. Nhưng rồi niềm đam mê cháy bỏng dành cho đấu kiếm vẫn “nâng” cô dậy để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới: “Trước khi lên đường dự vòng loại Olympic khu vực châu Á – châu Đại Dương ở Trung Quốc, chấn thương gối của em vẫn còn hành hạ. Em cũng lo lắng lắm nhưng nghĩ đây là cơ hội cuối cùng rồi nên càng phải cố gắng hơn. Các trận đấu đều khó khăn, bởi các đối thủ đều rất khát khao, trình độ cũng 50-50 chứ không chênh lệch gì. Trận bán kết với đối thủ Hồng Kông (Trung Quốc) em cũng phải tập trung trong từng đường kiếm mới vượt qua được. Và cảm xúc như vỡ òa khi em thắng Tiffany (Đài Loan – Trung Quốc) 15-11 ở trận chung kết, qua đó giành vé dự Olympic 2016 ở Brazil”, Dung chia sẻ với Dân Việt.
VĐV Lệ Dung. Ảnh: IT.
Hỏi Dung cảm xúc thế nào sau bao năm miệt mài “luyện kiếm” mới có ngày được xuất hiện ở một kỳ Olympic, Dung đáp: “Lần đầu tiên “rơi vé” dự Olympic 2004 khi mới 19 tuổi em cũng tiếc lắm nhưng nghĩ mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội. Nhưng rồi đi qua những lần tranh vé dự Olympic 2008, 2012 mà không được, có những lúc em cũng cảm thấy mình kiệt sức. Cũng chỉ biết động viên mình cố gắng tiếp bởi đã theo nghiệp VĐV, nếu mình dừng lại có nghĩa là đầu hàng. Bước vào thảm đấu, em cũng không cần biết đối thủ là ai, chỉ biết đeo mặt nạ vào là… thi đấu thôi. Dù sao cũng cảm ơn tất cả vì Olympic 2016 đã là cơ hội cuối cùng của em rồi. Nếu không giành được vé thì có lẽ em cũng chỉ biết dồn hết tâm huyết của mình, những gì mình chưa làm được cho lứa “đàn em”, học trò sau này thôi”.
Theo Lệ Dung, Olympic là đấu trường rất lớn và việc của cô trong thời gian tới là nỗ lực tập luyện để thể hiện tốt nhất năng lực của mình tại Thế vận hội: “Olympic 2012, đấu kiếm lần đầu tiên có vé dự Olympic (VĐV kiếm 3 cạnh nam Nguyễn Tiến Nhật-PV). Và tới Olympic 2016, chúng ta đã có 3 vé (Lệ Dung, Thành An – kiếm chém nam, Như Hoa – kiếm 3 cạnh nữ - PV). Đó là những niềm khích lệ rất lớn cho lứa VĐV sau này tự tin hơn khi đọ sức trên đấu trường quốc tế”, Lệ Dung chốt lại.
Những ngày qua, trên facebook cá nhân, Nguyễn Thị Lệ Dung liên tiếp nhận được những lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp. Đồng đội, kiếm thủ Trần Thị Len từng giành HCV kiếm 3 cạnh nữ SEA Games 2015 thể hiện cảm xúc: “Chúc mừng chị yêu nhé! Em nghe tin cũng sướng run cả người cơ!”. |