Phân biệt rõ huyện, thị xã nông thôn mới
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM báo cáo, sau 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Hiện cả nước đã có khoảng 1.761 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 19,7%); 1.223 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí (13,7%). Cả nước có 23 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng 1,9 lần so với năm 2010)…
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: L.C
Đánh giá về Chương trình xây dựng NTM, ông Danh Út – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nêu rõ, số tiền huy động trong xây dựng NTM cụ thể các tỉnh là bao nhiêu, tỉnh nào nhiều nhất, ít nhất. “Cần nêu rõ 182 xã đạt dưới 3 tiêu chí thuộc những tỉnh, huyện nào. Bởi chúng tôi đi thực tế có rất nhiều xã chỉ đạt 2 tiêu chí, chứ chưa đủ 3 tiêu chí” – ông Danh Út nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, cần làm rõ khái niệm, huyện, thị xã NTM, tránh đánh đồng, nhầm lẫn khái niệm và cách nghĩ. “Đô thị NTM thì hơi khó nghe”- ông Phúc nói. Về ý kiến này, bà Phạm Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Việc công nhận thị xã NTM là bởi trong thị xã còn có rất nhiều xã. Đây là vùng ngoại thành sau này sẽ là vùng để xây dựng và mở rộng đô thị. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm rõ các tiêu chí, để không bị chồng chéo giữa huyện NTM với thị xã NTM hay thị xã”.
Cơ hội “vàng” để tái cơ cấu nông nghiệp
Một số ý kiến cho rằng ngoài những thành tựu đã đạt được, chương trình còn nhiều hạn chế và đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp.
Ông Phúc nhấn mạnh, việc thay đổi nhận thức, cơ chế sản xuất giúp người dân có điều kiện kinh tế quay lại đóng góp cho xây dựng NTM, nhưng các địa phương làm rất chậm, mà chủ yếu chú trọng vào các tiêu chí hạ tầng. “Trong thời gian tới, chúng ta cần phải đổi mới cách giám sát, tốt nhất là đối thoại với người dân. Nhiều nơi bưu điện xã đã biến thành điểm chơi game, chợ không họp được…” – ông Phúc đề xuất.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, cho biết sẽ sớm hoàn thành một báo cáo hoàn chỉnh để trình Thủ tướng, nhằm điều chỉnh lại những tiêu chí cho phù hợp với việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. |
Cũng theo ông Phúc, hiện nhiều địa phương chưa xây dựng xong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất, nhưng vẫn báo cáo là tốt. “Không biết họ đánh giá chỉ tiêu này, kết quả kia dựa trên cái gì, hay bằng cảm tính?” – ông Phúc đặt câu hỏi.
Ông Bùi Văn Phương – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, nông dân vẫn là người nghèo, khổ nhất, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng huy động sức dân quá mức, bởi “bệnh thành tích”.
Ông Phương ví dụ: Có tỉnh khi báo cáo thành tích giảm nghèo thì nói chỉ còn khoảng hơn 30.000 hộ, nhưng khi báo cáo để hưởng chính sách nhà nước thì lên đến hơn… 300.000 hộ. Do đó, theo ông Phương, nếu các địa phương báo cáo nợ để được hỗ trợ, thì sẽ có con số gần chính xác, chứ báo cáo để đánh giá thì còn số này sẽ thấp hơn rất nhiều. Điều đó cho thấy “bệnh thành tích” vẫn còn rất nặng. “Do đó, tôi đề nghị Chính phủ thống kê 63 tỉnh thành về việc huy động nguồn lực đến các huyện, xã và các nợ đọng hiện nay, để làm bài học, kinh nghiệm cho các địa phương khác” - ông Phương nói.