Có nghề mới dám nuôi nhiều
Là một nông dân đang trồng nấm, chị Lường Thị On, bản Én Nọi, xã Mường Than (huyện Than Uyên) thổ lộ: “Mình không được học trực tiếp từ các thầy cô của Trung tâm đâu. Các hộ khác được học, mình thấy họ làm được mà làm cũng không khó nên đến nhờ bà con hướng dẫn lại cho…”.
Học từ những người đã được học bài bản, chị On trồng nấm rơm cho thu nhập cao hơn cả làm lúa, trồng ngô. “Nấm trồng ra được thương lái ở thành phố, thị trấn về thu gom liên tục, chưa sợ bị ế hàng…”-chị On thật thà cho biết.
Học viên Trung tâm DN HTND tỉnh Lai Châu thực hành vào nguyên liệu trồng nấm tại xã Mường Than (Than Uyên). Ảnh: Kiều Thiện
Anh Khoàng Văn Phanh, cựu học viên lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gia cầm ở bản Nậm Hàng, thị trấn Nậm Nhùn (Nậm Nhùn) bày tỏ: “Trước cứ nghĩ ông, cha mình nuôi gà, vịt bao đời giờ con cháu cứ thế mà làm theo, ai ngờ đi học mới vỡ lẽ ra nhiều điều mới. Có nhiều kỹ năng trước kia tôi và nhiều bà con cứ đinh ninh là đúng, nhưng đi học mới biết là sai. Ví dụ, trước kia gà, vịt chết đều quy cho bị rù hết, nay mới biết có nhiều bệnh khác nhau mà mỗi bệnh thể hiện triệu chứng, cách chữa khác nhau. Hoặc như trước đây mình nghĩ cứ cho gà, vịt ăn no là được. Nay mới biết phải cho ăn với tỷ lệ các thức ăn hợp lý; nuôi bao lâu thì nên bán để tiền lời là nhiều nhất…”.
Hơn 10 năm thành lập, Trung tâm DN HTND tỉnh Lai Châu đã tổ chức được gần 500 lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho hơn 15.000 nông dân của 103 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, hội nghị đầu bờ, tham quan mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới, cây, con giống mới cho hàng ngàn lượt hộ nông dân. |
Tự tin với kiến thức, kỹ năng được học, hiện nay gia đình anh Phanh nuôi hàng trăm con gà đẻ trứng, gà thịt, thu nhập tăng lên rõ rệt so với trước đây.
Dạy những nghề thiết thực
Hoạt động trên địa bàn tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, số huyện nghèo nhiều nhất cả nước, những năm gần đây, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN HTND) thuộc Hội ND tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho nông dân.
Chỉ tính trong 5 năm qua (2011-2015), đơn vị này đã tổ chức 127 lớp dạy nghề cho gần 4.000 học viên là nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. “Căn cứ vào thực tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và nhu cầu của bà con, chúng tôi chú trọng dạy các nghề nông nghiệp như thâm canh lúa, ngô, cây ăn quả, trồng chè; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản…” – ông Nguyễn Văn Công- Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trung tâm DN HTND Lai Châu cho hay.
Theo bà Vũ Thị Liên, việc dạy nghề còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng Trung tâm DN HTND đã tích cực tham mưu, tìm kiếm, liên kết các nguồn vốn đào tạo để tổ chức được nhiều lớp dạy nghề cho nông dân. Bà Liên cho biết: “Từ 3 cán bộ ở buổi đầu thành lập năm 2004, đến nay chúng tôi đã có hơn 10 cán bộ, trên 70 giáo viên, bao gồm cả giáo viên cơ hữu, kiêm chức, hợp đồng thỉnh giảng. Chúng tôi căn cứ vào nhu cầu học nghề được tổng hợp từ các xã, bản trên địa bàn để đào tạo đúng nhu cầu, đúng địa chỉ, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tế sau đào tạo…”./.
Cần học hơn 1 nghề Tôi đã được học nghề thâm canh lúa, ngô tại Trung tâm DN HTND tỉnh Lai Châu năm 2012. Tôi vận dụng tốt vào sản xuất, năng suất lúa, ngô tăng. Nhưng hiện nay, tôi muốn học thêm 1 nghề chăn nuôi bởi ruộng đất không tăng thêm, thời gian nông nhàn còn nhiều. Làm ruộng, nương khó mà khấm khá được mà phải nuôi gia súc, nuôi cá… Những nghề đó sẽ giúp chúng tôi tạo thêm việc làm, tăng thu nhập mà không cần phải nhiều vốn lại quay vòng nhanh. Bà Lò Thị Tương (bản Khoa, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên). Tăng hỗ trợ để ND ham học nghề Vì không có kỹ thuật nên nông dân vùng cao sản xuất nông sản với năng suất thấp, chất lượng chưa cao, trong khi đó công sức, chi phí đầu tư lại nhiều. Điều này là 1 trong những nguyên nhân khiến việc giảm nghèo ở miền núi gặp khó khăn. Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ hơn nữa cho dạy nghề nông dân. Đa số nông dân vùng cao còn nghèo nên bên cạnh tăng hỗ trợ cho người đi học, cần có kinh phí để xây dựng mô hình điểm giúp bà con tai nghe mắt thấy, làm theo được ngay… Ông Mùa A Tủa (nông dân giỏi, khu II, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ). Mong có thêm nhiều lớp dạy nghề Chúng tôi mong muốn nhà nước có kinh phí để tổ chức thêm nhiều lớp dạy nghề cho nông dân xã Mường So. Bà con vốn chịu thương, chịu khó, nhiều hộ đã xóa nghèo nhưng chưa bền vững. Thời gian qua, chúng tôi đã được Hội ND tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Mong muốn của chúng tôi là nhà nước có kinh phí để mở thêm lớp dạy nghề cho nông dân để địa phương khai thác tốt hơn lợi thế về nông nghiệp và nghề may trang phục truyền thống… Ông Bùi Quang Lịch-Phó Chủ tịch UBND xã Mường So (Phong Thổ) Thanh Tâm (ghi) |