Dân Việt

Đa số người Việt vẫn nhớ về ngày giỗ tổ, giỗ dòng họ

Bùi Mỵ 18/04/2016 06:20 GMT+7
“Chỉ một số ít người quá mải lo làm giàu, coi kinh tế - đồng tiền là trên hết, còn đa số, mọi người vẫn thể hiện được tình cảm, trách nhiệm với gia đình, dòng họ dù xã hội đổi thay”. PGS-TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học Việt Nam nhận định.

Những năm gần đây, hoạt động Giỗ tổ dòng họ được nhiều dòng họ chú trọng khôi phục, tổ chức, với mục đích chung hướng là đến những giá trị, những truyền thống tốt đẹp để mỗi người nhớ về nguồn cội, thêm đoàn kết, gắn bó... Là người có nhiều nghiên cứu về các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ và xã hội, quan điểm của ông về điều này thế nào?

img

Lễ Giỗ Tổ tại Cổ Miếu ở Mộ Trạch (Hải Dương), nơi phụng thờ Thủy Tổ họ Vũ - Võ.    
Ảnh: DONGHOVUVO

- Ngày giỗ tổ của các dòng họ là ngày con cháu đang làm ăn sinh sống ở khắp nơi về  gặp nhau đông đủ tại nhà thờ (từ đường) của dòng họ (hay nhà thờ chi, hoặc nhà trưởng  họ), để nhờ về nguồn gốc của họ mình, ôn lại những giá trị, những truyền thống của họ mình, những tấm gương tiêu biểu của người trong họ qua các thời kỳ. Giỗ tổ cũng là dịp người trong họ trao đổi tâm tư, tình cảm, nhận biết và củng cố các mối quan hệ theo tôn ty trật tự dòng họ.

Đặc biệt, ngày nay, giỗ tổ dòng họ còn là dịp tổ chức lễ khuyến học, nhiều dòng họ còn bàn việc giúp nhau phát triển kinh tế. Mấy năm gần đây, nội dung bàn thảo trong dịp giỗ họ còn là sự tham gia của mỗi gia đình, dòng họ trong việc xây dựng nông thôn mới…

Khi nói đến những dòng họ lớn có bề dày truyền thống phát triển và đóng góp cho quê hương, đất nước, theo ông phải kể đến những dòng họ nào?

Đa số dân ta vẫn thể hiện được tình cảm, trách nhiệm với gia đình, dòng họ; nhiều người sau khi thành đạt trên đường công danh, sự nghiệp lại thể hiện tình cảm với dòng họ, cộng đồng làng xã một cách nhiệt tình, thiết thực hơn”.

PGS- TS Bùi Xuân Đính

- Lịch sử đất nước ta gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các dòng họ, các làng. Nhiều dòng họ có những đóng góp to lớn đối với đất nước ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đã tạo ra những truyền thống vẻ vang, như truyền thống làm nghề, truyền thống học hành, truyền thống đánh giặc, truyền thống cách mạng…

Chỉ riêng truyền thống học hành và khoa cử, ở Hà Nội có thể kể ra những dòng họ nổi tiếng, như họ Phạm, họ Phan (làng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), họ Nguyễn Quý (làng Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), họ Nguyễn (làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì), họ Nguyễn (làng Sơn Đồng, họ Lê (làng Hậu Ái), hộ Trần (làng Kim Hoàng) cùng thuộc, huyện Hoài Đức, họ Bùi làng Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), họ Nguyễn làng Phú Thị (huyện Gia Lâm)... 

Vùng phụ cận, ở Bắc Ninh có họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều (Từ Sơn), họ Nguyễn làng Kim Đôi ( Quế Võ).   họ Vũ làng Mộ Trạch (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương)… 

Trong mỗi dòng họ có những nghi lễ thờ cúng khác nhau. Vậy, nhìn chung văn hóa dòng họ, nghi lễ thờ cúng, giỗ tổ ngày nay có sự khác biệt thế nào so với giai đoạn trước?

- Về cơ bản, các tập tục, nghi lễ liên quan đến dòng họ ngày nay không có gì khác biệt so với trước đây, vẫn là những hoạt động tôn tạo mộ tổ, chạp mộ (vào tháng Chạp hay vào dịp giỗ tổ), tế tổ hay lễ tổ (gắn với việc ôn lại truyền thống, tổng kết hoạt động một năm của dòng họ…). Có điều ngày nay, tiềm lực kinh tế của đa số các dòng họ mạnh hơn ngày trước rất nhiều, nên hoạt động thờ cúng dòng họ có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, một số dòng họ đang có xu hướng “hiện đại hóa” một số hoạt động của mình (nhất là việc xây nhà thờ họ không đi theo truyền thống).

Nhiều dòng họ xây nhà thờ không theo một quy cách kiến trúc nào cả, truyền thống chẳng ra truyền thống, hiện đại chẳng ra hiện đại, có nhà thờ do một số người giàu có đứng ra xây dựng, thể hiện sự lai căng, phô trương. Đặc biệt, tại một số làng nghề, một số người giàu có thể hiện vị thế, “đẳng cấp” của mình một cách quá đà, bằng cách tách ra xây nhà thờ tổ riêng, tổ chức tế lễ riêng, gây chia rẽ dòng họ. Điều đó là không nên.

Nhiều người cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường hiện nay cuốn con người vào vòng xoáy công việc, con người trở nên bận bịu hơn và ít có thời gian để thể hiện yêu thương đối với gia đình, họ hàng, tổ tiên. Liệu đây có phải là xu thế tất yếu nhưng đáng lo ngại của xã hội?

- Tôi không chia sẻ với ý kiến này. Chỉ một số ít người quá mải lo làm giàu, coi kinh tế- đồng tiền là trên hết, ít quan tâm tới (hoặc hiểu sai) các giá trị truyền thống hay “nhiễm” các tư tưởng, lối sống xa lạ, mới không quan tâm đến gia đình, dòng họ, nói chung là những người xung quanh. Còn đa số dân ta vẫn thể hiện được tình cảm, trách nhiệm với gia đình, dòng họ; nhiều người sau khi thành đạt trên đường công danh, sự nghiệp lại thể hiện tình cảm với dòng họ, cộng đồng làng xã một cách nhiệt tình, thiết thực hơn. Đây cũng là sự tri ân của họ với dòng họ, cộng đồng làng xã.

Xin cảm ơn ông!