Tại Hội nghị “Tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2011-2012” do Bộ GDĐT tổ chức ngày 17.7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GDĐT xem lại tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 có đúng thực chất không, đặc biệt là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên ở nhiều địa phương cao hơn hệ THPT.
Việc kiểm tra đề thi THPT 2011 được làm nghiêm túc nhưng khâu chấm thi lại bị thả lỏng. Ảnh chụp tại Cần Thơ. |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cũng “đề nghị” giám đốc các sở GDĐT nghiêm túc nhìn nhận lại kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và có báo cáo cụ thể về Bộ, thời gian nộp báo cáo chậm nhất là 30.8.
Điều đó cho thấy, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT rất quan tâm tới tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 của cả nước và đó là một động thái tích cực của người đã từng phát động phong trào “2 không”.
Việc xem xét lại, chí ít cũng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm. Hơn nữa, Phó Thủ tướng còn chỉ ra rằng, Bộ trưởng Bộ GDĐT “yêu cầu các tỉnh báo cáo” thì cũng chỉ là việc làm mang tính hình thức, cho xong chuyện mà thôi. Liệu có mấy giám đốc sở dám nhìn thẳng, nói thật, dám chỉ ra những yếu kém, tiêu cực trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay ở địa phương mình? Mà bằng chứng cụ thể bây giờ tìm đâu cho ra?
Như chúng ta đã biết, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011, nổi lên vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL bắt tay nhau "xé rào" hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT để học sinh mình được đỗ cao. Biết chuyện, Bộ GDĐT cũng nói "mạnh mẽ" lắm, yêu cầu sở GDĐT các địa phương họp rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm những cá nhân, cán bộ vi phạm. Nhưng xin hỏi, các nơi đó đã xác định được những cá nhân, cán bộ nào vi phạm hay chưa? Mức độ xử lý đến đâu? Đã có ai bị cách chức, buộc thôi việc không, hay chỉ bị phê bình, nhắc nhở sơ sơ ?
Xin nói thẳng là công tác tổ chức thi tốt nghiệp 2 năm nay có dấu hiệu thả nổi, buông lỏng, tiêu cực nảy sinh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng cao chót vót, đến phi lý, không phản ánh đúng thực chất, phần nhiều do lỗi của lãnh đạo Bộ, sở GDĐT... mà ra. Chúng tôi mong mỏi lãnh đạo ngành giáo dục, đừng để mọi việc đã đâu vào đó rồi, dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì mới có động thái rút kinh nghiệm, xem xét lại như là một hình thức xuê xoa cho qua để rồi lại tái diễn.
Bình An