Nhớ hồi nhỏ, sau mỗi giờ tan học, cứ nghe bọn bạn í ới là tôi vội bê thau, cầm dao đi đục hàu, bắt sò huyết. Hàu là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, được dân thành thị ưa thích, nên chúng tôi ra sức bắt để kiếm chút thu nhập, đỡ gánh lo toan cho mẹ cha.
Bắt hàu không phải đơn giản. Những chú hàu dù ẩn mình ngụy trang trong các hốc đá, cống bê-tông rất khó tách rời. Phải dùng dao hoặc vật nhọn bằng kim loại hình dẹp để nạo cho hàu bật ra khỏi nơi trú ngụ. Do kỳ công nên khi nạy được chú hàu nào thì cả bọn reo hò như trúng số độc đắc. Tuy nhiên, nguy hiểm cũng khôn lường. Do rong rêu và các thực vật thủy sinh khác vào các gềnh đá, nên sơ sẩy một tí là té dập mặt, hoặc bị vỏ hào cứa đứt chân chảy máu. Vì vậy mà ba mẹ không ủng hộ việc đi bắt hàu này.
Tôm, cua... vừa bắt, chuẩn bị đem nướng.
Đi bắt sò huyết thì nhẹ nhàng hơn. Trên các dòng kênh, rạch, khi nước cạn, xuất hiện những chú sò huyết to bằng lá rau má ẩn trong bùn. Nhưng hầu như chúng tôi thích nghịch hơn là bắt sò. Cứ được vài chục con là cả bọn cùng nhau ném bùn, rồi ra sông bơi cho thỏa chí (đứa nào cũng bơi rất cừ). Trong khi sò huyết vẫn còn lang thang trong bùn rất nhiều.
Món tôm nướng.
Dân quê tôi có thói quen, cứ mỗi khi thu hoạch thủy hải sản, hoặc đi đâu đó bắt được con cua biển, mớ sò huyết, tôm… là mang đến một nhà nào đó rồi cùng làm món ăn và bày biện tiệc tùng vui vẻ. Mỗi người góp một ít, vậy mà ngon, nghĩa tình. Điều đặc biệt, dân vùng biển xứ tôi, nhất là những nhà nuôi trồng thủy sản rất kỵ với các món nướng hải sản. Theo quan niệm dân gian thì nước kỵ lửa, nếu người đang nuôi trồng cua biển mà bắt cua nhà nướng trực tiếp trên than hồng có thể sẽ khiến làm chết hàng loạt những thứ mà mình đã nuôi trồng. Vì vậy mà ai cũng thèm món nướng. Để tránh đi việc ấy, mọi người mang hải sản đến một nhà không nuôi trồng và nhờ người ấy nướng, rồi cùng chung vui. Như vậy “né” được điều kiêng cữ.
Trẻ con chúng tôi lớn lên cũng phải tiếp nhận quan niệm xưa cũ của người lớn: Không được nướng hải sản mình nuôi trồng. Cứ mỗi lần thèm ăn hải sản nướng, cả nhóm phải mang đi đến nhà bạn mà chế biến để ba mẹ, ông bà không la rầy. Chính vì lén lút như thế nên món nướng “tả pí lù” ấy vốn dĩ đã ngon lại càng ngon hơn!