Dân Việt

Ham giàu bỏ nghèo: Bất động sản bất ổn

Nguyễn Tường 16/04/2016 15:04 GMT+7
Theo chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản đang phục hồi tốt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn vì sự “lệch pha” cung cầu.

Trong báo cáo mới nhất của HoREA, ông Châu khẳng định thị trường bất động sản thành phố đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại. Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp, nhất là khu Nam TP.HCM. Số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại) cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Giao dịch trong quý I/2016 đã có dấu hiệu chững lại so với quý trước. Cụ thể, ba tháng đầu năm có 9.000 căn đã bán trong tổng số 57.000 căn dự kiến chào bán trong năm.

img

TP.HCM đang “khát” nhà ở trung bình trong khi nguồn cung tập trung ở phân khúc cao cấp

Sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Thành phố hiện có trên 10 triệu dân (dự kiến đến năm 2020 sẽ có dân số lên đến 12 triệu người) với hơn 1,8 triệu hộ gia đình, với gần 3 triệu người nhập cư, có một bộ phận trong số 200.000 cán bộ công chức, viên chức, nhất là ngành giáo dục, y tế, và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới mỗi năm có nhu cầu thuê nhà, tạo lập nhà ở, cũng như hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch hoặc trong các chung cư hư hỏng nặng cũng đặt ra nhu cầu rất lớn về cải thiện nhà ở đi đôi với chỉnh trang đô thị.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ để cho thuê, hoặc bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, nguồn cung quá hạn hẹp do chủ đầu tư chạy đua phân khúc cao cấp.

Toàn thành phố hiện có khoảng 1.219 dự án với quy mô 315.500 căn. Trong đó có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%), 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%). Có đến 137 dự án tạm ngưng thi công. Đây chính là “tảng băng chìm” báo hiệu sự bất ổn.

Theo nhận định của ông Châu, trong thời gian tới, thị trường sẽ còn gặp khó khăn do ngân hàng hạn chế tín dụng. Các chủ đầu tư dự án, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đều phải tự điều chỉnh và tái cấu trúc đầu tư, kinh doanh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh. Nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến hơn 8%/năm dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1-2% trong năm 2016.  Từ giữa tháng 03/2016 đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng.