Dân Việt

Tạo sức bật cho hộ nghèo

20/07/2011 14:21 GMT+7
(Dân Việt) - Với hơn 8,5 tỷ đồng dư nợ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đang góp phần nâng đỡ nhiều hộ nghèo, hộ gia đình chính sách của xã Đồng Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ) vượt khó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trên địa bàn xã Đồng Lương, hiện đang triển khai 6 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó phát huy hiệu quả rõ nét nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn...

Khá giả nhờ vốn ưu đãi

Trước năm 2004, tiếng là có hàng chục ha đất rừng nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Độ vẫn là hộ nghèo. Gia đình có 5 người đều khoẻ mạnh, nhưng vì không có vốn nên diện tích đất rừng vẫn bỏ không. Năm 2004, thông qua tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) của Hội ND xã, bà Độ được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng. Bà dồn hết tiền mua keo lai giống về trồng.

img
Chăn nuôi lợn thịt là 1 trong 3 mô hình sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả của gia đình anh Vi Hữu Dong (khu 6, xã Đồng Lương).

“10 triệu đồng khi ấy rất to, nhưng cũng không thể đủ để phủ kín diện tích 20ha đất rừng. Chỉ đến năm 2009, gia đình tôi mới trả vốn gốc chương trình cho vay hộ nghèo, rồi chuyển sang vay 15 triệu đồng chương trình hộ SXKD vùng khó khăn, diện tích đất rừng mới được phủ kín cây nguyên liệu giấy...” - bà Độ chia sẻ. Từ tháng 3.2011, diện tích rừng trồng từ 6 năm trước của gia đình là đã cho chặt tỉa. Nguồn thu nhập của gia đình bà đã dần ổn định.

Bà Bùi Thị Quang - Chủ tịch Hội ND xã Đồng Lương dẫn chúng tôi vào thăm gia đình anh Vi Hữu Dong ở khu 6 xã Đồng Lương, một điển hình hộ nghèo vượt khó, sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi. Gia đình anh Dong mới làm được căn nhà ngói 3 gian, trong chuồng, luôn duy trì 15-20 con lợn thịt. Ngoài chăn nuôi, thu nhập của vợ chồng anh còn ở ao cá 2.000m2 và 2 ruộng trồng rau màu 1.000m2. “Trước kia, vợ chồng tôi chỉ có mái nhà tranh lụp sụp bên bờ sông Bứa với đứa con bị bệnh tim bẩm sinh. Nay nhờ được vay vốn ưu đãi nên cũng đỡ. Tôi được vay 3 chu kỳ vốn hộ nghèo và hiện đang vay chu kỳ vốn hộ SXKD vùng khó khăn...”.

Hướng dẫn “cách câu cá”

Ông Vi Ngọc Bích - Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho hay, vốn ưu đãi của Nhà nước đưa về chính là “kênh” tín dụng hiệu quả để giảm nghèo ở nông thôn. Trong 6 chương trình tín dụng ưu đãi thì chiếm phần lớn là 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn và HS-SV.

“Đây là 3 chương trình vốn ưu đãi góp phần giảm nghèo trên địa bàn xã trong những năm gần đây. Nếu xét tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn hơn 16%, nhưng theo tiêu chí mới thì tỷ lệ này tăng lên 30,6%. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục duy trì nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho khu vực nông thôn như hiện nay”- ông Bích đề đạt.

Các mô hình đầu tư sản xuất có sử dụng vốn vay ưu đãi đều được đánh giá hàng năm. Qua đó đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho các hộ vay vốn sau này...

Theo bà Quang, thì việc quản lý, theo dõi, kiểm tra sử dụng vốn vay ưu đãi phải tổ chức thường xuyên, trong quá trình bình bầu, xét duyệt đối tượng thụ hưởng, các hộ đều trình bày mục đích vay vốn. Nhưng các tổ TKVV, các hội đoàn thể phải có trách nhiệm tư vấn để hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả.

Có nhiều cách tư vấn giúp đỡ hộ vay vốn như Hội ND kết hợp việc giải ngân vốn với kiến thức tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi hoặc vận động những hộ có kinh nghiệm sản xuất hướng dẫn, giúp đỡ, bày cách cho các hộ mới làm.

Anh Dong thổ lộ: “Tôi thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm và kiến thức nuôi lợn, nuôi cá, trồng rau hàng hoá cho các thành viên trong tổ TKVV. Nhiều hộ đã làm theo và cải thiện được thu nhập...”.