Vào căn nhà hơn chục mét vuông, mù mờ ánh đèn dầu mới thấy hết sự chật chội của nó. Vợ chồng thầy Sơn cùng 2 đứa con và một cô giáo trẻ tên Hoà ở cùng nên ngoài 2 cái giường ọp ẹp kê sát nhau, gian nhà chỉ chứa thêm được 1 cái bàn mộc kề bên bếp nấu cơm.
Quạt tay là giải pháp giảm nóng trong ngôi nhà chật chội của gia đình thầy giáo Sơn. |
Thầy Sơn cho biết: Mấy năm trước vợ chồng tôi từ Triệu Sơn, Thanh Hoá tình nguyện lên dạy học vùng cao và được phân về điểm trường Phứ Ma. Tôi dạy lớp 1, vợ tôi (cô Vượng) dạy mầm non. Nhà trường không có nhà công vụ mà vợ chồng tôi cũng nghèo nên đành kiếm tranh, tre, nứa, lá dựng tạm cái lều để ở. Năm ngoái vợ tôi sinh cháu thứ hai, lại thêm cô giáo Hoà (mới chuyển về đây năm 2010) ở nhờ nên nhà càng thêm chật. Biết là khó khăn nhưng không thể không cưu mang đồng nghiệp.
Cô Vượng cho biết, cô Hoà là người Hà Nội lên đây dạy học. Khi mới đến đây cô Hoà đã bỏ tiền dựng một căn nhà tạm nhỏ ở gần lớp học. Nhưng cuối năm vừa qua, dân bản lấy lý do là đất của họ, không phải đất nhà trường nên họ phá mất. Thương cô là sinh viên trẻ mới ra trường nên chúng tôi động viên cô về ở tạm cùng gia đình. Nhiều lúc nhìn cảnh nhà chật chội, cuộc sống khó khăn mà rơi nước mắt, nhưng không thể bỏ nghề, bỏ trường được.
Là giáo viên tình nguyện (theo chương trình thu hút giáo viên vùng đặc biệt khó khăn), nhưng những giáo viên ở điểm trường Phứ Ma chưa được quan tâm một cách đúng mức.
Thầy Sơn tâm sự: “Tôi cũng chỉ mong có được mái nhà để tránh mưa, tránh gió, không lo nhà đổ vào người. Hy vọng thời gian tới chúng tôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ sửa nhà hoặc xây nhà công vụ. Tối thiểu thì cấp trên cũng phải cắm đất cho nhà trường để các giáo viên có chỗ ở ổn định”.
Kiều Thiện (Sơn La)