Dân Việt

Bi hài những phụ nữ mất tiền vì... ham tiền

Phú Lữ 18/04/2016 09:11 GMT+7
Để dụ dỗ các nạn nhân (đa số là nữ) "cắn câu", băng nhóm do hai người đàn ông mang quốc tịch Nigeria cầm đầu đã tung ra nhiều chiêu trò lừa đảo như: tán tỉnh, hứa hẹn chuyện yêu đương, cưới hỏi, tặng quà, tặng tiền với giá trị lớn… khiến nhiều nạn nhân tin tưởng mắc bẫy. Khi lực lượng Công an TP.HCM khám phá vụ án này, số tiền mà nhóm này lừa đảo đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

80 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng

Ngày 5.4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.HCM) cho biết, đang tạm giữ 7 nghi can trong đường dây "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức". Trong đó có hai nghi can người Nigeria là Ihugba Augustine Chinonso (30 tuổi, người cầm đầu) và Onu Chinoso Peter (31 tuổi, cả hai lưu trú tại quận 12, TP.HCM). Hai nghi can này liên kết với 5 người Việt Nam khác là Trần Viết Hùng (34 tuổi) và Lê Thị Mai Phương (34 tuổi, vợ Hùng, cùng ngụ tại quận 12); Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (25 tuổi, ngụ quận 7); Lê Văn Nhóc (21 tuổi, ngụ Tây Ninh; Phạm Trường Thành (23 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hải (26 tuổi, ngụ Bình Thuận).

Cơ quan điều tra xác định, băng nhóm này đã thực hiện khoảng 80 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn chục tỷ đồng chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 12.2015 - 3.2016. Khám xét nơi cư trú của băng nhóm này, cảnh sát thu giữ gần 100 thẻ ATM của nhiều ngân hàng được làm để nhận tiền của các bị hại chuyển vào.

img

Hai đối tượng người gốc Phi và các đối tượng người Việt tiếp tay trong băng nhóm lừa đảo tại cơ quan công an.

Điều đáng nói là nhóm lừa đảo này đã móc nối với nhau dùng hình thức kết bạn trên mạng xã hội để lừa đảo. Theo đó, những đối tượng người gốc Phi này đã đóng giả là những chàng trai ngoại quốc giàu có, sống độc thân muốn tìm vợ. Để phục vụ cho các phi vụ lừa đảo của mình, chúng đã câu kết với một số đối tượng trong nước để tiến hành các bước lừa đảo một cách khá "ngoạn mục".

Đánh vào sự hám lợi của bị hại khi tưởng mình sẽ được nhận những món quà giá trị lớn và cả số ngoại tệ "khủng" đi kèm (thời gian trước nhiều đối tượng người gốc Phi cũng dùng thủ đoạn gửi tiền là ngoại tệ bị nhuộm đen, rồi lừa nạn nhân chi tiền mua hóa chất tẩy rửa) nên khi nghe có người gọi điện đích danh bảo số quà và tiền đang trên đường gửi về nước thì bị hải quan, cảnh sát giữ lại, nếu muốn nhận thì phải nộp tiền chung chi, đáng nói là khoản tiền chung chi vẫn ít hơn nhiều với giá trị món quà và khoản ngoại tệ ảo, nhiều nạn nhân như con thiêu thân cứ "vô tư" nộp tiền cho chúng hết đợt này đến đợt khác. Khi đã ngộ ra thì số tiền bị lừa đã lên con số hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 - Phòng PC46, từ năm 2013, Trần Viết Hùng có quen biết với Nguyễn Thị Ngọc Tuyết. Thông qua Tuyết, Hùng làm quen với một nhóm người gốc Phi, chủ yếu mang quốc tịch Nigeria. Lâu dần, Hùng phát hiện đây là nhóm chuyên lừa đảo bằng thủ đoạn kết bạn, làm quen qua Facebook rồi chiếm đoạt tiền. Cụ thể, nhóm người gốc Phi làm quen với phụ nữ tại Việt Nam, sau đó giả vờ yêu đương và hứa sẽ tặng nhiều quà cáp có giá trị, thậm chí tặng cả số tiền lớn. Người nhận muốn lấy được thì phải gửi đủ loại chi phí lên đến nhiều tỷ đồng.

Trước đó, các nghi can đã tiến hành điện thoại đóng giả là cán bộ hải quan, công an, người chuyển hàng, nhân viên sân bay… yêu cầu nạn nhân chuyển các khoản phí vận chuyển, phí dịch vụ… vào các tài khoản ngân hàng mà chúng đưa ra. Trong nhóm này, Tuyết có nhiệm vụ đóng giả nhân viên chuyển phát nhanh, gọi điện thoại cho nạn nhân yêu cầu chuyển tiền để đóng phí nhận quà.

Thấy có vẻ ngon ăn, Hùng đã rủ vợ tham gia vào đường dây lừa đảo trên. Vợ chồng Hùng cung cấp thêm thông tin, tạo tài khoản ngân hàng cho nhóm "Tây da đen" để nhận tiền lừa đảo rồi đi rút, chia lại cho Tuyết.

Cơ quan điều tra cho biết thời gian đầu, do sơ hở vợ chồng Hùng dùng số tài khoản thật đứng tên mình để cung cấp cho nhóm người gốc Phi và Tuyết. Sau đó, sợ bị lộ nên Hùng liên hệ với Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành, Nguyễn Văn Hải để tìm các tài khoản, thẻ ATM ngân hàng cho mình. Từ tháng 12.2015 - 3.2016, Hùng đã cung cấp cho Tuyết hơn 50 thẻ ATM kèm tài khoản ngân hàng. Hùng cùng với nhóm của Nhóc cũng trực tiếp đi rút hơn 4 tỷ đồng từ việc lừa đảo các nạn nhân. Sau khi chia chác, vợ chồng Hùng được nhận số tiền trên 400 triệu đồng.

Và cũng từ cách làm này, Hùng quen biết với hai đối tượng "Tây da đen" khác là Ihugba Agustine Chinonso, Onu Chinonoso Peter và sau đó là chuỗi lừa đảo nhiều nạn nhân trong nước. Điều đáng nói là trong hàng chục nạn nhân thì có trường hợp bị lừa đến ba lần liên tiếp và phải đến lần thứ 4 thì mới nghi vấn bị lừa  rồi đi trình báo công an.

Vỡ mộng chồng ngoại giàu sang

Điển hình là chị N.T.H.C (SN 1979, ngụ TP.HCM). Trình báo với cơ quan điều tra, bị hại này cho biết vào khoảng đầu tháng 1-2016 chị tình cờ kết bạn trên mạng xã hội Facebook với một người đàn ông xưng tên là Brian Ronald, người Anh Quốc. Sáu đó, qua nhiều lần nói chuyện qua lại trên Facebook, chị C đã nảy sinh tình cảm và được anh bạn ngoại quốc ngỏ lời cầu hôn sẽ cưới chị C làm vợ…

Để làm tin, ngày 2.2, Brian Ronald nói sẽ gửi quà là nước hoa đắt tiền, túi xách hàng hiệu, laptop và một số điện thoại iPhone cùng số tiền 100 ngàn đôla (tương đương 2,2 tỷ đồng) về Việt Nam cho chị C.

Hai ngày sau, chị C nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự giới thiệu tên Huỳnh Kim Thoại, xưng làm việc ở một công ty chuyển phát nhanh ở sân bay cho biết chị C đang có kiện hàng từ nước ngoài gửi về, vì kiện hàng này có kèm theo số tiền ngoại tệ lớn, nên chị C phải nộp số tiền là 1.200USD (tương đương 27.100.000 đồng) vào tài khoản 0071001046371, mang tên Huỳnh Kim Thoại, mở tại Vietcombank, gọi là tiền phí vận chuyển kiện hàng và ngoại tệ mới nhận được hàng. Không mảy may nghi ngờ, ngay cùng ngày chị C đã chuyển tiền vào tài khoản do người phụ nữ này cung cấp.

Tưởng rằng sẽ nhận được kiện hàng nhưng hôm sau Huỳnh Kim Thoại tiếp tục gọi điện cho biết kiện hàng lại bị hải quan tạm giữ vì có chứa số tiền lớn. Vì thế, chị C phải nộp thêm 80 triệu đồng mới lấy quà được.

Dù đã chuyển 80 triệu đồng vào tài khoản 36810000115963 mang tên Nguyễn Văn Tuấn, mở tại BIDV gọi là đóng phí Hải quan ngay trong ngày 5.2 nhưng đợi mãi không nhận được kiện hàng nên chị C sốt ruột đã liên hệ với người tình ngoại quốc để hỏi thì người này cũng cho biết cần chuyển tiền để làm thủ tục mới nhận được kiện hàng. Cùng ngày chị C lại nhận được điện thoại từ công ty chuyển phát nhanh thông báo chưa nhận được 80 triệu đồng mà chị đã chuyển trước đó. Họ yêu cầu chị C nộp tiếp 111 triệu đồng để nhận hàng. Chẳng hiểu sao chị C vẫn nghe răm rắp và tiếp tục chuyển nốt số tiền này vào tài khoản 0501000098371 mang tên Lê Thị Hiền mở tại Vietcombank.

Chưa dừng lại, chị C còn nhận được một cuộc điện thoại của Trần Viết Hùng, tự xưng là cán bộ Công an Hà Nội, cho biết gói quà đang ở sân bay Nội Bài, trong đó có nhiều tiền và yêu cầu phải nộp phạt 200 triệu đồng thì mới nhận được hàng vì Cảnh sát phát hiện gói quà gửi từ nước ngoài về cho chị có chứa nhiều ngoại tệ. Đến lúc này, thấy sự việc quá vô lý, chị C xâu chuỗi lại sự việc thấy nghi ngờ bị lừa đảo nên đã đến trình báo Công an TP.HCM vào cuộc điều tra.

Theo chị C, chỉ vì quá tin tưởng người tình vì anh này thường nhắn tin, "chat" qua lại báo có gửi thùng quà và số tiền "khủng". Muốn nhận được hàng thì phải làm mọi thủ tục theo yêu cầu nên cứ nghĩ đơn giản nên mấy lần đầu cứ chuyển tiền mà không hề nghĩ rằng mình đang bị cả một "dây chuyền" phối hợp lừa đảo.

Một bị hại khác còn bị lừa mất số tiền lớn hơn nữa, đó là chị L.T.T.A (36 tuổi, ngụ Đà Nẵng) bị nhóm lừa đảo này lừa hơn 2 tỷ đồng. Chị T.A cho biết cũng từ sự kết bạn, quen biết qua mạng Facebook, một người đàn ông tự xưng ở Mỹ hứa sẽ gửi quà có giá trị lớn cho mẹ của chị. Sau đó, người đàn ông này bảo rằng muốn nhận được quà thì sẽ có người ở bên Việt Nam thông báo khi nào quà về đến. Tin lời, chị đã nghe theo lời một số đối tượng ở Việt Nam yêu cầu chuyển hơn 2 tỷ đồng để nộp phí vận chuyển, phí ải quan mới nhận được quà. Tuy nhiên, tiền nộp xong nhưng quà không thấy đâu, chị T.A mới biết bị lừa…

Hai trường hợp vừa nêu chỉ nằm trong số hàng chục nạn nhân nữ bị lừa bởi nhóm lừa đảo này. Thời gian gần đây, đối tượng mà các băng nhóm tội phạm này đặc biệt lưu ý đến là chị em phụ nữ thường sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, để tạo niềm tin cho các "con mồi", nhóm lừa đảo không hành động ngay mà thường nói chuyện, tâm sự với con mồi trong một thời gian khá dài, khi thấy con mồi đã hoàn toàn tin tưởng mới chính thức ra tay. Khi đó đa số bị hại đều không nghi ngờ hay đề phòng gì nữa.

Điều đáng nói, loại tội phạm này với những chiêu thức thủ đoạn tuy không mới, như thông báo nhận quà, trúng thưởng, thông báo nợ cước điện thoại và giả người quen đề nghị nộp tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại... nhưng vẫn có rất nhiều người bị sập bẫy vì cả tin, mất cảnh giác.

Để chủ động phòng ngừa nâng cao tinh thần cảnh giác đối với phương thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng, qua điện thoại, gần đây Công an TP.HCM đã khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác, thận trọng với các thông tin trao đổi qua mạng xã hội có liên quan đến chuyển tiền hay nạp thẻ cào qua mạng hoặc các cuộc điện thoại thông báo đòi tiền không hợp lý… Khi người dân phát hiện nghi vấn cần nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an để truy bắt các đối tượng lừa đảo.

Theo cơ quan điều tra, có thể vẫn còn có nhiều nạn nhân của băng nhóm lừa đảo này. Để làm rõ vụ việc, Phòng PC46 ra thông báo ai là nạn nhân của nhóm đối tượng kể trên, hãy gọi điện tới số 08 38640508 để cung cấp thông tin. Hiện, vụ việc vẫn đang được mở rộng điều tra.