Dân Việt

Vốn hỗ trợ đến tay, có ngay vườn nhãn quý

Chúc Ly 19/04/2016 07:00 GMT+7
Ido là giống nhãn có giá trị kinh tế nhưng chi phí sản xuất cao gấp đôi nhãn da bò. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nhà vườn tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã có điều kiện chuyển từ giống nhãn da bò sang trồng giống nhãn Ido...

Bước đệm cho nhà nông

Trước tình hình giống nhãn da bò bị tàn phá dữ dội bởi dịch bệnh chổi rồng, nhiều hộ dân trồng cây ăn trái xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ đã tiếp cận với giống nhãn Ido. Đây là giống nhãn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, đa số nông dân đều thiếu vốn, không có khả năng đầu tư chuyển đổi giống một cách hoàn thiện. Trước tình hình đó, Hội ND xã đứng ra lập dự án vay vốn Quỹ HTND để hỗ trợ ND thực hiện mô hình chuyển đổi giống và thâm canh cây nhãn Ido.

img

Các nhà nông trong dự án sử dụng Quỹ HTND trồng nhãn Ido thường xuyên trao đổi kỹ thuật chăm sóc.  Ảnh: Chúc Ly

Dự án cải tạo và thâm canh cây nhãn Ido tại xã Hòa Ninh có tổng số vốn đầu tư gần 340 triệu đồng, trong đó vay vốn từ nguồn Quỹ HTND là 200 triệu đồng, còn lại 140 triệu đồng là vốn đối ứng của các hộ. Tham gia dự án có 15 hộ với tổng diện tích đất vườn là 8ha. Dự án có thời hạn sử dụng vốn là 3 năm.

Với hơn 6 công đất vườn, những năm trước gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên (ngụ ấp Hòa Lợi, xã Hòa Ninh) có thu nhập bấp bênh do trồng giống nhãn da bò. Nhưng từ khi chuyển sang trồng giống nhãn Ido, tình hình sản xuất ngày càng ổn định. Ông Nguyên cho biết: “Năm 2013, nhờ được vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tôi đã có điều kiện để cải tạo đất vườn, mua cây giống, trồng lại 6 công nhãn Ido. Đây là giống nhãn có năng suất và giá bán cao hơn hẳn giống nhãn da bò. Hiện nay, trung bình mỗi hộ trong dự án có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm”.

Cùng suy nghĩ đó, ông Dương Cánh Dân (ngụ cùng ấp Hòa Lợi) chia sẻ: “Trung bình 1 công nhãn Ido phải tốn chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/vụ, còn khi cải tạo trồng mới thì phải tốn vài chục triệu đồng/công. Chính vì vậy, có được sự hỗ trợ từ Hội ND để tiếp vốn cho ND là điều rất cần thiết”.

“Thời điểm vay vốn, tôi có 4 công nhãn Ido đã được 3 năm tuổi. Mỗi vụ tôi cần khoảng 13 triệu đồng để chăm sóc vườn. Nhờ được hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND mà vườn nhãn của tôi năm đó phát triển tốt vì được bón phân, xịt thuốc đầy đủ. Vụ nhãn này, ước tính tôi có thể thu được khoảng 4 tấn nhãn. Với giá bán trung bình từ 20.000 đồng/kg, tôi thu ít nhất cũng khoảng 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi gần 60 triệu đồng” – ông Dân phấn khởi nói.

Thay đổi thói quen canh tác

Ông Nguyễn Hữu Diệu – Chủ tịch Hội ND xã Hòa Ninh, cho rằng, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp cho nhiều nhà vườn có điều kiện thay đổi thói quen canh tác, xóa bỏ giống nhãn kém chất lượng, thay thế bằng giống nhãn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hơn nữa, bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, các ngành chức năng cùng với Hội ND cũng đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nhãn Ido, nhằm hỗ trợ thêm về mặt kỹ thuật cho nhà nông.

Bà Huỳnh Thị Hường – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Long Hồ, nhận định: “Qua mỗi chu kỳ vay vốn thì nhận thức của hội viên, ND được nâng lên. Nhiều ND tự nguyện xin gia nhập vào Hội ND. Nguồn vốn vay Quỹ HTND đầu tư cho hội viên đều rất thiết thực và mang lại lợi ích, nên chất lượng hoạt động Hội ND từ cơ sở đến chi, tổ hội được nâng lên đáng kể”.