Dân Việt

Chủ hàng bún măng lâu năm chỉ cách tránh măng ngâm hóa chất

Theo Phụ nữ TP HCM 19/04/2016 08:56 GMT+7
Những loại hóa chất độc hại dùng để ngâm măng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của con người.

Vừa qua, hàng loạt các cơ sở sản xuất măng bị phát hiện ngâm măng với hóa chất độc hại khiến nhiều người tiêu dùng rất lo lắng. Vì lợi nhuận mà không ít cửa hàng kinh doanh ngâm măng với chất cấm là Aurmine.

Aurmine là một chất nhuộm vải, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.

Còn đối với cách tẩy cho măng trắng và nhìn hấp dẫn người bán hàng còn dùng hai loại hóa chất độc hại, đó là hóa chất Kali sunfit và Hiboclori. Kali sunfit là chất độc nếu dùng quá liều quy định sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt hệ tiêu hóa, phá hủy gan, thận. Ngoài ra nó cũng có thể gây nhiễm độc thai nhi, giòn xương...

Với chất Hiboclorit, đây là loại chất tẩy có tính oxy hóa mạnh, có thể tẩy màu, diệt côn trùng và thường được dùng để làm vệ sinh trong các khu công nghiệp, dùng để tiệt trùng các dụng cụ cá nhân và dụng cụ y tế. Vì vậy nếu sửng dụng Hiboclorit tẩy măng thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người với các bệnh về mũi, miệng, hệ thống đường hô hấp, làm bị ho, ngạt mũi và khó thở.

img

Măng ngâm hóa chất được bày bán tràn lan tại các chợ, người tiêu dùng không tinh ý sẽ rất dễ mua phải.

Trước tình trạng này, người tiêu dùng cần phải hết sức tỉnh táo, biết cách phân biệt, nhận biết đâu là măng sạch đâu là măng bẩn để sức khỏe không bị nguy hại.

Cách nhận biết măng ngâm hóa chất

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ TP.HCM bà N.M.A (55 tuổi, một người bán hàng bún mọc, măng lâu năm ở phố Nguyên Hồng, Hà Nội) cho biết: "Khi đi mua măng, chị em nên chú ý trước tiên vào màu sắc. Măng ngâm hóa chất bao giờ cũng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm, dễ bị nát, gãy vụn, khi ăn có vị ngọt, giòn hơn măng tự nhiên.

Với loại măng bị ngâm chất tẩy trắng thì màu sắc cũng không được tự nhiên như măng sạch mà sẽ có màu trắng phau rất bắt mắt".

Còn măng tươi sạch sẽ có màu vàng nhạt hoặc hơi thâm đen do được ngâm muối tự nhiên. Những cọng măng không ngâm hóa chất thường cái to cái nhỏ, không có độ bóng và nhìn không bắt mắt. Khi mua hàng, chị em đừng vì thấy măng xấu xấu, thâm thâm mà chê. Bên cạnh đó, măng sạch sẽ không dễ bị gãy vụn như măng ngâm hóa chất mà có độ dai nhất định".

Hơn nữa, theo bà A. khi mua măng, mọi người nên ngửi thử xem mùi măng như thế nào. Nếu ngửi thấy mùi hóa chất hoặc măng không có mùi tự nhiên thì không nên mua. Còn măng sạch sẽ có mùi thơm dịu, đặc trưng".

Chị T.B (38 tuổi, một người bán hàng bún khác trên đường Phùng Hưng, Hà Nội) cho biết: "Măng độc, măng bẩn ngâm hóa chất bây giờ nhiều lắm, tôi cũng chẳng rõ nó là những chất gì nhưng nghe người ta đồn cũng thấy hốt. Mỗi lần đi hàng cũng thấy hơi lo lắng vì nhỡ mua dính măng độc về chế biến cho khách ăn mà họ có bị làm sao thì chết.

Tôi nghĩ, chị em khi mua bất kể loại măng nào về, tốt nhất nên luộc qua vài lần để loại bỏ bớt chất độc, hơn nữa măng cũng bớt hăng, đắng, nấu ăn sẽ ngon hơn".

Theo kinh nghiệm của chị B., tốt nhất khi đi mua măng bất kể là măng tươi hay măng khô, các bà nội trợ nên vào các cửa hàng hay siêu thị uy tín để mua, như vậy sẽ đảm bảo về độ an toàn và tin cậy hơn là mua ngoài chợ.

Không chỉ măng tươi, mà hiện nay, ngay cả măng khô cũng có thể bị sấy bằng hóa chất hay tẩm chất bảo quản vì thế người tiêu dùng cũng cần phải chú ý khi mua.

Bà H.T.M (60 tuổi, một người bán hàng khô tại chợ Vĩnh Hồ, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Măng khô rất khó bảo quản, dễ bị ẩm mốc, nhất là trong dịp thời tiết ẩm ướt. Hơn nữa nhiều cơ sở sản xuất còn sấy măng bằng lưu huỳnh rất độc hại.

Nếu măng bị sấy qua lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của diêm sinh, màu sắc vàng tươi, bóng bảy, bắt mắt và tuyệt đối không bị mốc".

Bà M. cho hay: "Với măng khô, để đảm bảo an toàn, trước khi chế biến, chị em cứ ngâm với nước muối hoặc nước vo gạo sau đó luộc qua đổ bỏ nước để loại bỏ độc tố".

* Tít bài do Dân Việt  đặt lại.