Dân Việt

Triều Tiên cho "Tây" nghiên cứu núi lửa gần khu hạt nhân

Quang Minh - IBT 19/04/2016 16:55 GMT+7
Ngọn núi lửa cao nhất Triều Tiên và cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây nhằm đánh giá mức độ an toàn trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử hạt nhân dưới lòng đất.

img

Núi Paektu cao 2.744m là ngọn núi lửa cao nhất ở Triều Tiên.

Núi lửa Paektu linh thiêng nằm giữa biên giới Trung Quốc và Triều Tiên dù rất được tôn sùng nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa. Điều này khiến Bình Nhưỡng luôn phấp phỏng lo sợ. Gần đây, Triều Tiên đã chấp thuận cho các nhà khoa học phương Tây hợp tác nghiên cứu về ngọn núi lửa này. Công trình nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tạp chí khoa học Science Advances.

“Đây là ngọn núi lửa có quá khứ hào hùng nhưng gần đây có dấu hiệu nó đang hoạt động trở lại và chúng tôi không biết nhiều về ngọn núi này”, James Hammond, giáo sư đại học London, đồng tác giả công trình nghiên cứu chia sẻ. “Ngọn núi lửa này hiện nay vẫn ngủ im, tuy nhiên không thể nằm im mãi. Chúng ta phải để mắt đến nó”.

Núi Paektu là một núi lửa vẫn còn hoạt động, cách khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên 116km . Các chuyên gia địa chất khẳng định khoảng cách này là quá gần nếu một rung chấn cỡ vừa do thử hạt nhân xảy ra.

Núi lửa Paektu được người Trung Quốc gọi là núi Trường Bạch có một lịch sử khá khốc liệt. Năm 946 trước Công nguyên, ngọn núi lửa này từng phun trào và khói bụi lan tới Nhật Bản. Đây là một trong những vụ núi lửa “tỉnh giấc” lớn nhất lịch sử ghi nhận được.

“Hiện nay chưa có quan điểm nhất quán vì sao ngọn núi lửa lại nằm ở đây”, Hammond nói. “Paektu không nằm trên một ranh giới mảng kiến tạo địa chất, nơi thường xuất hiện các ngọn núi lửa”.

Ngày nay, 1,5 triệu người sinh sống ở bán kính 80km quanh ngọn núi Paektu. Nhiều người Triều Tiên tin rằng đây là nơi ra đời của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Từ năm 2002 đến 2005, hàng loạt vụ động đất ghi nhận được ở chân núi lửa khiến người dân lo sợ một ngày không xa Paektu sẽ phun trào dung nham.

Từ năm 2011, các nhà khoa học từ Triều Tiên, Mỹ, Anh và Trung Quốc lên một kế hoạch nghiên cứu chưa từng có trong lịch sử để đánh giá tác động của ngọn núi lửa này. “Đây là lần đầu tiên núi Paektu được nghiên cứu cẩn thận đến vậy. Nó cung cấp cho chúng tôi bức tranh toàn cảnh về những gì diễn ra bên dưới ngọn núi”, Hammond nói.

Theo kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập từ 6 máy đo địa chấn đặt dọc bờ đông núi Paektu, một phần diện tích khá lớn vỏ núi lửa đang bị tan chảy, tạo nên hỗn hợp lỏng gồm đá, khí ga và các tinh thể. Dù nghiên cứu khẳng định núi lửa vẫn hoạt động tuy nhiên lượng mắc-ma mà nó chứa đựng vẫn chưa thể đo đạc.

“Tôi nghĩ rằng nguy cơ phun trào là rất lớn”, Stephen Grand, nhà địa chấn học ở Đại học Texas trả lời trên National Geographic. “Cấu trúc bên dưới vỏ núi lửa cho phép dự đoán tương lai dù không chắc chắn 100%. Cần phải theo dõi sát tình hình hiện nay và trong tương lai để có biện pháp phòng tránh”.