Dân Việt

Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Hà Linh 19/04/2016 13:20 GMT+7
Nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành thêm 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong đó, riêng huyện Điện Biên đăng ký 15 xã.

Để bắt tay vào thực hiện mục tiêu này, ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn, huyện Điện Biên đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành NTM tại 2 xã: Thanh Xương và Noong Hẹt. Đây được xem là thách thức không nhỏ khi khối lượng công việc còn khá lớn.

img

Huy động sức dân làm giao thông nông thôn.

Hơn bao giờ hết, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên cần sự nỗ lực rất lớn và đang thể hiện quyết tâm cao độ, cùng với những bước đi mang tính chiến lược cho chặng đầu quan trọng.

Thanh Xương, 1 trong 5 xã điểm về xây dựng NTM và hiện cũng là 1 trong 2 xã được chọn phấn đấu hoàn thành chuẩn NTM trong năm 2016 của huyện Điện Biên. Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, cho đến nay địa phương này đã hoàn thành 15/19 tiêu chí.

Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, đại diện chính quyền địa phương khẳng định, việc hoàn thành NTM vào năm 2016 là nhiệm vụ khá nặng nề, bởi phần lớn việc còn lại đều là những nội dung khó. Song vì mục tiêu chung, đứng trước nhiệm vụ chính quyền cấp trên giao, Thanh Xương đã hoạch định cho mình hướng đi cũng như giải pháp cụ thể, với quyết tâm cao.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Xương cho biết: "Từ những đánh giá, rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua chúng tôi xác định công tác tuyên truyền vẫn là nhiệm vụ tiên quyết và quan trọng nhất. Sức dân đóng vai trò rất lớn, không chỉ là việc hiến đất mà là đóng góp công sức, tham gia vào các phần việc; tiếp đến mới là nguồn lực đầu tư trên cơ sở ưu tiên tập trung toàn bộ cho hoàn thiện hệ thống giao thông và thủy lợi, sau là cơ sở vật chất văn hóa, môi trường".

Với xuất phát điểm thấp, sau 5 năm bắt tay triển khai, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Điện Biên, xã Thanh Xương gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Với phương pháp, chính quyền đề ra chủ trương, định hướng để nhân dân bàn bạc, thống nhất cách làm, phát huy tính dân chủ, tự chủ của người dân nên Thanh Xương đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trong triển khai các phần việc.

Trong đó, địa phương ưu tiên tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, tạo việc làm, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó là lý do tạo nên những con số “ấn tượng” cho đến thời điểm hiện tại, như: Tốc độ tăng trường kinh tế toàn xã đạt 5%/năm; 90,15% lao động có việc làm thường xuyên, thông qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên mức 16,65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,01% (chuẩn nghèo đa chiều). Có 6/26 thôn, bản không còn hộ nghèo.

Bằng những kết quả và sự đổi thay vượt bậc mà NTM mang lại, người dân nơi đây đã có thêm niềm tin đối với chương trình cũng như chính quyền địa phương. Những ngày này, khi biết tin xã phấn đấu hoàn thành NTM vào năm 2016, họ lại càng phấn khởi hơn. Không khí thi đua lao động sản xuất lan rộng khắp các vùng dân cư, với quyết tâm dốc sức, đồng lòng cho mục tiêu chung.

Tương tự Thanh Xương, hiện xã Noong Hẹt cũng cơ bản hoàn thành 15/19 tiêu chí về NTM. 4 tiêu chí mà cả 2 xã này cùng chưa hoàn thiện là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Bởi vậy, đây sẽ là những phần việc chính mà huyện Điện Biên, cũng như chính quyền 2 địa phương xác định tập trung thực hiện trong năm 2016.

Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thì trong năm 2016, địa phương sẽ tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho Thanh Xương và Noong Hẹt, trong đó các giải pháp tăng cường kêu gọi đầu tư sẽ được triển khai bên cạnh việc tranh thủ lồng ghép các nguồn lực đầu tư vào địa phương để hoàn thiện các tiêu chí còn lại tại 2 xã trọng điểm này.

Cùng với mục tiêu đã xác định cho mình trong năm 2016, huyện Điện Biên cũng sẽ đứng trước không ít thách thức khi dự ước nguồn vốn cần để đầu tư hoàn thiện các công trình, hạng mục còn lại lên tới con số khoảng 25 tỷ đồng; trong khi đó, nguồn lực địa phương lại có hạn.

Cũng trong năm 2016, 3 xã trên địa bàn huyện sẽ chính thức được đưa ra khỏi danh sách thụ hưởng Chương trình 135, đồng nghĩa với đó là sự giảm sút tương đối lớn (ước tính gần 5 tỷ đồng/năm) về nguồn lực đầu tư, ngân sách cũng như chế độ, chính sách đối với người dân.

Tuy nhiên, với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ xã Thanh Chăn, sự quyết tâm, đồng lòng thể hiện rất rõ từ phía Đảng bộ, chính quyền, cũng như mỗi người dân địa phương, nếu biết phát huy tốt, biến thách thức thành động lực để phấn đấu, thì có thể tin tưởng rằng Điện Biên sẽ làm được, và đó sẽ là sự mở đầu đầy thuận lợi cho chặng đường dài 5 năm (2016 - 2020) nhiều thử thách nhưng cũng đầy hy vọng đang chờ đón phía trước.