Liên hệ với luật sư Đỗ Phủ – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Minh Béo, ông chia sẻ câu chuyện về việc biện hộ cho Minh Béo và những gì sắp diễn ra ở phiên xử Minh béo sắp tới.
Lý do nào khiến gia đình Minh Béo thuê ông bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nghệ sĩ này? Nghe nói,việc chọn luật sư đại diện ở Mỹ là một nghệ thuật?
- Tôi không nghĩ đó là nghệ thuật gì đâu. Vấn đề là người luật sư đó làm được việc gì cho thân chủ trong khả năng nghề nghiệp của mình. Người nhà Minh Béo biết tôi làm về Hình sự và thường thường hồ sơ tôi làm đạt kết quả cho những thân chủ trước. Nhờ uy tín như vậy nên họ mới kiếm tôi vậy thôi.
Giá thuê luật sư giỏi ở Mỹ rất tốn kém, ông có thể tiết lộ mức thù lao?
Luật sư Đỗ Phủ trong phiên luận tội đầu tiên của Minh Béo
- Chuyện đó tôi không nói được.
Với góc nhìn của một luật sư, ông nhìn nhận vụ việc của thân chủ như thế nào?
- Thông thường, những hồ sơ người nổi tiếng bị truy tố, người truy tố đưa ra luôn bất lợi và có những vấn đề bị thổi phồng. Tôi nhận bào chữa cũng giống như việc đâm cho “quả bóng” ấy xì hơi xuống vì câu chuyện có thể không xảy ra như vậy. Khi chưa điều tra hồ sơ kỹ, tôi không thể khẳng định chuyện này có xảy ra hay không. Tôi phải xem lại lời khai đã được đưa có đúng không vì đâu phải lúc nào cũng đúng.
Ông có thể tiết lộ một chút về đường hướng giải quyết?
- Những điều đó nói ra sẽ không có lợi cho thân chủ tôi là một. Hai là hồ sơ tôi mới nhận từ người nhà Minh 4 ngày trước. Hiện giờ, tôi vẫn chưa thẩm định kỹ và cũng chưa coi hết những bằng chứng nên không thể nào nói trước được.
Nếu nói tôi có một chiến thuật nào hoặc tỉ lệ chiến thắng bao nhiêu phần trăm thì tôi không đưa ra bình luận được. Phần lớn vẫn là tôi phải điều tra thật kỹ xem câu chuyện xảy ra như thế nào và khả năng điều tra có đúng với cách làm việc của họ hay không, chẳng hạn thế. Tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hồ sơ. Vì ở Mỹ, họ phải chứng minh người đó có tội.
Ông tiếp cận chứng cứ buộc tội, gặp gỡ thân chủ như thế nào?
- Theo luật pháp Mỹ, khi truy tố tội gì thì phải đưa ra bằng chứng cho vụ việc đó và họ bắt buộc phải đưa cho tôi. Tôi làm bất cứ hồ sơ nào cũng phải gặp thân chủ của mình để biết câu chuyện đã xảy ra như thế nào. Việc gặp gỡ rất thoải mái vì luật sư bên Mỹ có quyền gặp thân chủ bất kỳ lúc nào và không có luật nào ngăn cản được hết.
Ông nhận định như thế nào về mức tiền 1 triệu USD đóng để được tại ngoại của thân chủ ông bảo vệ?
- Tôi thấy mức tiền 1 triệu đô cho tại ngoại hầu tra trong vụ này là cao. Những tội danh này thường không tới như vậy, thấp lắm, chừng 1/10 số tiền này thôi. Tôi đoán là vì Hoa Kỳ và Việt Nam không có luật dẫn độ.
Nếu số tiền tại ngoại hầu tra thấp, Minh có thể nộp tiền ra ngoài và đào thoát về Việt Nam. Lúc đó cơ quan tư pháp sẽ không có quyền truy tố nữa. Họ làm vậy cũng có cái lý của họ.
Tôi có đề xuất một số giải pháp đã nói trong phiên toà như giao lại hộ chiếu – cuốn sổ thông hành ấy – cho cơ quan tư pháp. Tôi cũng đề nghị nếu sợ Minh đào thoát, có thể đeo vòng điện tử vào chân để đi đâu họ cũng biết. Thế nên tôi nghĩ chuyện tăng mức tiền tại ngoại hầu tra là quá cao, không cần thiết và không công bằng.
Ở Mỹ, dường như việc hiểu về cách làm việc và kinh nghiệm của luật sư đối phương, cách đề nghị bồi thẩm đoàn là quan trọng. Vậy ông cho biết thêm về thành phần tham gia trong phiên toà sắp tới?
- Hệ thống pháp luật ở Hoa Kỳ hoàn toàn độc lập về vấn đề người dân – là những người như anh – được tôi và Chính phủ mời vào tham dự phiên toà, quyết định người nào có tội hay không có tội. Nó phản ánh sự tham gia của người dân xung quanh vùng nơi vụ việc xảy ra.
Có hai nền văn hoá quan trọng mình cần tìm hiểu là văn hoá người gốc Việt và văn hoá của người da trắng. Trong bồi thẩm đoàn có thể có những thành phần như người gốc Việt qua Mỹ từ bé, người gốc Việt mới qua, có người da trắng, … Mỗi người mang một quan niệm sống phản ánh vào trong phiên toà. Đó là một nghệ thuật khi lựa bồi thẩm đoàn, phải biết lựa những người không có tiền sự với thân chủ. Đó là cái khó nhất vì phải am tường cả văn hoá Mỹ lẫn văn hoá Việt.
Có thể trong bồi thẩm đoàn 12 người sẽ gồm 3 người gốc Việt, 3 người gốc Mễ Tây Cơ (Mexico - PV), 3 người da trắng và 3 người phụ nữ chẳng hạn, thì phải làm sao nắm được tâm lý của họ. Bạn lựa bồi thẩm sao cho họ đừng có thành kiến với thân chủ của mình vì đó là những người quyết định.
Liệu quyền chọn thành phần bồi thẩm đoàn theo ông nói có công bằng không khi theo tôi biết, chỉ cần một trong 12 thành viên trong bồi thẩm đoàn phủ quyết thì bị cáo cũng không bị tuyên có tội?
- Có 2 vấn đề như thế này: Đầu tiên là trường hợp "có một người phủ quyết" như anh đề cập thì chỉ làm vụ án không thành thôi, phía Công tố viện (Biện lý) vẫn có quyền xin xử lại hồ sơ. Chuyện này bên Mỹ gọi là "Bồi thẩm đoàn không đưa ra quyết định được". Tức là Bồi thẩm đoàn phải đồng nhất, 12 người này phải đồng nhất hoặc có tội hoặc không có tội. Nếu một người trong đó có quyết định khác thì phiên toà sẽ xử lại.
Công tố viên và luật sư bào chữa có quyền lựa bồi thẩm đoàn ngang nhau. "Ngang nhau" tức là tôi và họ đều có quyền loại một số người ra khỏi Bồi thẩm đoàn theo ý mình. Tôi với họ cũng có quyền thẩm vấn người nào có thành kiến bênh hoặc không bênh vụ việc. Đó là "ngang nhau", không bên nào có quyền hơn bên nào hết.
Quyền loại người của luật sư ở đây có bao gồm những người được phía Biện lý chọn và ngược lại? Luật sư và phía Biện lý được chọn ra bao nhiêu người mỗi bên?
- Về cơ bản, mỗi bên có quyền loại ra 10 người không cần lý do. Thủ tục thông thường ở bang California là như vậy. Những người đó, nếu trong quá trình thẩm vấn, tôi thấy có chiều hướng nghiêng về phía Biện lý thì tôi có quyền xin quan toà loại ra vì họ có thành kiến.
Ngược lại, bên Biện lý cũng có quyền giống tôi. Nếu người theo tôi nhiều quá, những câu trả lời của họ có thể đưa đến quyết định không công bằng thì phía Biện lý có quyền mời người đó ra. Những người có sự kỳ thị, chúng tôi có quyền mời ra không giới hạn bao nhiêu người. Cuối cùng, chúng tôi phải mời được 12 người. Đó là số lượng chính, quan toà có thể cho thêm 2 đến 4 người nên bồi thẩm đoàn có đến 14 - 16 người để lỡ người này bệnh, họ thế người khác vào.
Xin cảm ơn ông!