Dân Việt

Nông thôn “đói” nhạc: Ai lo “đầu ra” cho nhạc sĩ?

25/10/2011 18:39 GMT+7
(Dân Việt) - Đến thăm nhạc sĩ Ngọc Khuê- người đoạt Giải A với ca khúc “Đất và mẹ” trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về “tam nông”, ông xòe ra một tập nhạc: “Ca khúc viết xong rồi, nhưng tiền đâu mà phối khí, thu thanh, thuê ca sĩ?”.

Những thanh âm trên giấy

Nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc vui mừng khi được đi dự trại sáng tác về tam nông do Công đoàn Bộ NNPTNT tổ chức hồi tháng 5.2010. Chuyến đi gồm các nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Văn Dung, Vũ Thiết, Hoàng Lương, Nguyễn Đình Bảng, Phan Long, Khánh Vinh... trong suốt 1 tuần, họ được đi thăm các nông trường trồng cà phê ở Đăk Lăk, gặp gỡ, tiếp xúc với những công nhân nông nghiệp của Công ty 79 vừa sản xuất lúa gạo, vừa sản xuất cà phê. Rồi sau đó, họ xuống Nha Trang, thăm những người làm công tác chế biến thủy hải sản.

img
Lễ trao giải thưởng các sáng tác về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam 2011.

Chuyến đi đã mang đến rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho các nhạc sĩ về một thế hệ những người nông dân mới, đó là những “công nhân nông nghiệp”, họ vừa có sự thuần thục trong nghề nông, nghề biển, nhưng lại có sự chuyên nghiệp, có kỹ thuật và năng suất lao động cao.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết: “Sau chuyến đi, tôi viết được một ca khúc rất tâm đắc, đó là “Gặp em từ rừng xuống biển” để tặng những con người mà tôi đã gặp. Tâm huyết lắm, nhiều cảm xúc lắm, nhưng vấn đề làm sao để có tiền mà dàn dựng và biểu diễn nên rốt cuộc ca khúc vẫn phải nằm trên giấy”.

Theo nhạc sĩ Ngọc Khuê, việc sáng tác các ca khúc về đề tài tam nông không khó, nhất là với ông, một người có gốc gác từ nông thôn (quê nhạc sĩ ở làng Giá, Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội), nhiệt huyết trong ông cũng tràn đầy, nhưng vấn đề là muốn phổ biến ca khúc thì phải có tiền.

“Một ca khúc để đến với người nghe phải được phối khí, dàn dựng, thuê ca sĩ vỡ bài, tập luyện rồi đưa vào phòng thu, tính trung bình cũng hết gần chục triệu đồng rồi, nếu không có điều kiện kinh tế, các nhạc sĩ sẽ không ai đủ tiền ra mà lo hết được chuyện đó. Nếu không có được cuộc vận động sáng tác của Bộ NNPTNT thì có lẽ tôi chẳng bao giờ mơ tới chuyện ca khúc “Đất và mẹ” của mình được biểu diễn trên sân khấu”.

“Ăn hạt cơm mà không yêu hạt lúa”

Đó là tâm sự rất chân thành của nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu khi nói về sự thờ ơ của nhiều người với một nông thôn đang “đói” nhạc.

Ông bảo: “Đã là người VN thì phải biết yêu mến quý trọng người nông dân và trân trọng hạt lúa họ làm ra, nhưng hiện nay tôi thấy nhiều người ăn hạt cơm mà lại không yêu hạt lúa, không hiểu gì về hạt lúa. Thế hệ chúng tôi trước kia đã có thời gian cùng ăn cùng ở, cùng chia ngọt sẻ bùi với nông dân nên mới hiểu được họ và viết được ca khúc cho họ.

Còn ngày nay, giới nhạc sĩ trẻ chỉ viết về đề tài họ quan tâm, nói trắng ra là viết những gì làm họ “nổi tiếng”, kiếm ra nhiều tiền, mảng ca khúc về đề tài “tam nông” trống vắng cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nếu muốn quan tâm đến đời sống tinh thần của người nông dân thì cũng phải có một sự đầu tư cho nhạc sĩ, đã là lao động trí tuệ và sáng tạo nghệ thuật thì không thể hô hào suông mà phải có đãi ngộ”.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo- tác giả ca khúc “Khúc hát sông quê” tâm sự: “Những bài hát về “tam nông” thì thời nào cũng có, tuy nhiên, đời sống âm nhạc thường thịnh hành ở đô thị. Ở đó sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm phục vụ cuộc sống tâm hồn người đô thị. Không thể phủ nhận thực tế là những người làm nghệ thuật đang càng ngày càng xa rời nông thôn.

img Ngày xưa, chúng tôi đi chiến dịch thì viết về chiến dịch, về nông thôn thì phải viết về nông dân trồng khoai, trồng lúa, tăng gia sản xuất. Giờ thì các nhạc sĩ trẻ chuyên tâm vào viết nhạc... mì ăn liền phục vụ cái tôi chứ không phục vụ cộng đồng. img

Nhạc sĩ Hồ Bắc

Đời sống đô thị cuốn hút đến mức các cô gái, chàng trai quê cũng muốn tìm mọi cách để tiến về thành thị. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì “nhà quê” đang xa dần, có những làng quê ở sát gần đô thị mà cũng có vẻ như vùng sâu, vùng xa.

Thực tế ở nông thôn hiện nay đời sống vẫn thấp, muốn có những tác phẩm về nông thôn hấp dẫn, người nghệ sĩ phải thấm đẫm hồn quê, thấm đẫm đời sống thôn quê, đòi hỏi điều đó khó lắm, không đơn giản chút nào…”.

Quan tâm nâng cao đời sống vật chất của người nông dân là một nhiệm vụ phải làm ngay, nhưng việc làm cấp thiết hơn vẫn là làm sao có thể “lấp đầy” khoảng trống văn hóa nghệ thuật phục vụ “tam nông”. Đầu tư tiền của để giữ gìn “bản sắc văn hóa dân tộc” có lẽ nên bắt đầu từ những phần việc cụ thể như thế này.