Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định vấn đề khiếu nại nhiều người trong luật để làm căn cứ giao Chính phủ quy định cụ thể, bởi qua báo cáo số vụ việc khiếu nại nhiều người tăng.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), cần làm rõ thế nào là khiếu nại đông người để loại bỏ việc lợi dụng kéo nhiều người tụ tập gây phức tạp. Đại biểu cho rằng, khiếu nại có cùng một nội dung cùng mục đích yêu cầu mới giải quyết. Liên quan đến tiếp công dân, có ý kiến đề nghị không quy định tiếp công dân trong luật này vì không thuộc trình tự giải quyết khiếu nại.
Một trong những vấn đề cũng được các đại biểu thảo luận là khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, đây là một loại khiếu nại hành chính, liên quan đến quyền lợi cán bộ công chức. Luật Cán bộ, công chức chưa quy định rõ vấn đề này do đó Luật Khiếu nại cần quy định cụ thể…
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ sáng 24.10 về dự toán ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến các đại biểu nhất trí cho rằng: Nước ta là nước có điểm xuất phát thấp (đầu tiên của nước phát triển trung bình) nên các địa phương đều muốn phát triển theo chiều rộng, mâu thuẫn với Chính phủ là phát triển theo chiều sâu.
Liên quan đến nguồn vốn ngân sách, các đại biểu có ý kiến: Nói kiềm chế lạm phát là phải cắt giảm đầu tư công, tuy nhiên không nên làm đồng loạt và không nên cực đoan. Nhiều đại biểu kiến nghị năm 2012, các công trình quốc gia đi qua địa phương (như điện, giao thông), phải được ưu tiên, cần làm ngay vì liên quan đến tài sản quốc gia.
Đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) e ngại, về các nguồn tăng thu dự kiến năm nay của Chính phủ là 54.000 tỷ đồng sẽ khó đạt được bởi có nhiều khoản sẽ thất thu. Đại biểu Muôn đề xuất, năm 2011 cần giảm bội chi xuống 4,8% (hiện nay là 4,9%), thậm chí là 4,6%, bởi chúng ta cũng phải chuẩn bị dư địa khi đưa trái phiếu chính phủ vào ngân sách nhà nước.
Phương Hà