Ngang nhiên như… rừng vô chủ
Bức xúc trước việc lâm tặc lộng hành, khai thác gỗ rầm rộ tại cánh rừng giáp danh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Krông Năng (Đăk Lăk), ngày 16.4, một người dân huyện Krông Pa (xin được giấu tên) đã tình nguyện đưa phóng viên vào rừng để tận thấy những cánh rừng bị triệt hạ tan hoang…
Hàng chục súc gỗ nằm la liệt tại bãi tập kết. Ảnh: Đ.N
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi từ ngã ba Mê Linh (thôn Mê Linh, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) vượt qua dốc Mái Nhà dựng đứng, luồn theo con đường mòn giữa rừng với nhiều cây cối bị chặt hạ nằm rải rác hai bên đường. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay tại khu vực cửa rừng, có rất nhiều người mang theo cưa lốc, dao rựa cũng như các dụng cụ hành nghề thợ mộc nối đuôi nhau vào rừng. Ngoài bìa rừng thảm thực vật đã bị đốt cháy khiến cho quả đồi càng trở nên trơ trọi. Nhiều thân gỗ bị chặt phá hoặc bị cháy đổ nằm rải rác trên ngọn núi…
Sau nhiều giờ đi theo con đường mòn dẫn thẳng vào rừng rậm, chúng tôi lần theo vết xe ô tô còn mới nhất và tìm đến nơi tập kết gỗ nằm trên đỉnh ngọn đồi. Tại đây, hàng trăm súc gỗ đã xẻ vuông vức được xếp chồng chất khắp nơi. Mỗi súc gỗ có chiều rộng 0,6m, chiều dài 0,8m và đều dài khoảng 4-5m. Nơi tập kết gỗ giống như một đại công trường với những máy móc, cáp tời để vận chuyển gỗ nằm la liệt trong khu vực rừng này. Có những gốc cây đã bị cưa đổ đường kính lên đến hơn 1m… Qua thống kê sơ bộ, tổng cộng tại đây có trên dưới 80 súc gỗ, trung bình khoảng 1m3/súc. Tất cả đều được chặt hạ bằng cưa máy…
Theo phỏng đoán của chúng tôi, để đưa được số gỗ này về vị trí tập kết, lâm tặc đã dùng ô tô với hệ thống dây cáp tời lớn. Tại bãi gỗ, lâm tặc còn đang để lại một rơmoóc cùng nhiều lốp xe ô tô khác. Bên cạnh đó, lâm tặc cũng đã thiết kế hệ thống dây cáp dài để kèo gỗ từ bãi tập kết qua con dốc tới địa điểm xe ô tô có thể vào chở gỗ ra được. Để tiện cho việc phá rừng, lâm tặc đã dựng hai chòi để ở, nấu ăn ngay tại chỗ. Xung quanh còn nhiều bì nilon đựng thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt chứng tỏ đã có lượng người khá đông và ở tại khu vực này trong thời gian dài…
Mật phục nhưng bó tay?
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Hà – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết đối với vụ việc này, đơn vị đã “nghe thông tin lâu rồi, nhưng để tìm ra bãi gỗ và bắt giữ thì mới đây”. Riêng các đối tượng khai thác thì không bắt giữ được… Chất vấn về trách nhiệm của kiểm lâm trong vụ việc này, ông Hà nói rằng các cán bộ kiểm lâm vẫn thường xuyên đi tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng rất tích cực. Khi phóng viên hỏi với khối lượng gỗ bị khai thác lớn, xảy ra trong thời gian dài như vậy cần rất nhiều thời gian, lực lượng tuần tra kiểm soát tích cực tại sao không phát hiện ? Ông Hà cho rằng việc bắt gỗ trong rừng là rất khó: “Rừng này rộng lớn, đi sao hết được. Việc lâm tặc khai thác trong rừng phải tìm, phải kiếm chứ đâu phải như đường như ô bàn cờ mà dễ thấy” – ông Hà trả lời. Ông Hà nói thêm, dù đã nhận được thông tin lâm tặc phá rừng nhưng với quan điểm “đánh rắn phải đánh giập đầu” nên đã chỉ đạo phải tìm mọi cách bắt được đối tượng. “Chính vì thế Hạt đã cho anh em mật phục. Nhưng mật phục mãi mà không sao bắt được đối tượng” – ông Hà than vãn.
“Nhiều khả năng có sự liên kết giữa các đối tượng vì khối lượng gỗ lớn. Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ khi tôi về nhận nhiệm vụ tại đây” - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Thế Cường – Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Pa cho biết, đã giao Hạt Kiểm lâm và Công an huyện nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc. Một lãnh đạo Công an huyện Krông Pa cho biết đã cho cán bộ cùng phối hợp kiểm tra vụ việc, tới đây sẽ thông tin cho báo chí.
“Tâm điểm” của nạn phá rừng Thời gian gần đây, huyện Krông Pa luôn là điểm nóng về tình trạng phá rừng. Nổi bật gần đây nhất là vụ phá rừng tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai với việc xe chở gỗ của ông Nguyễn Đình Sơn – Trưởng Ban quản lý bị bắt giữ. Cứ ngỡ các cơ quan chức năng sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế nạn phá rừng thì lại để xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước tới nay như phóng viên phản ánh. |