Dân Việt

Thủy điện xóa sổ 90ha cao su và rừng trồng

25/10/2011 15:16 GMT+7
(Dân Việt) - Gần 90ha cao su và rừng trồng của người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) dần bị xóa sổ bởi quy hoạch Thủy điện Hương Điền và quy hoạch đất trồng cao su, trồng rừng chồng lên nhau.

Dân trắng tay

Năm 2006, gia đình anh Hồ Đức Năm (thôn Phổ Lai, Phong Sơn) vay tiền ngân hàng để trồng hơn 3 ha cao su theo Chương trình mục tiêu quốc gia về đa dạng hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 9.2011, khi lòng hồ Thủy điện Hương Điền đạt cốt nước 50,7m, gần nửa ha cao su của gia đình anh Năm chết vì bị ngập sâu gần 2m.

img
Cao su của gia đình anh Hồ Đức Năm bị chết do ngập nước thủy điện.

Đến cuối năm 2011, khi thủy điện tích đến cốt nước cuối cùng là 58,17m, sẽ có thêm 1,5 ha cao su của gia đình anh Năm bị thiệt hại. “Với 2 ha cao su 5 năm tuổi bị chìm dưới lòng hồ thủy điện, gia đình tui mất trắng gần nửa tỷ đồng”- anh Năm rầu rĩ.

Ngoài hộ anh Năm, xã Phong Sơn có 86 hộ dân khác bị thiệt hại nặng bởi cao su và rừng trồng bị lòng hồ thủy điện “nuốt”. Trong đó, những hộ trồng cao su sẽ trắng tay và ôm nợ bởi họ đã phải vay ngân hàng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để đầu tư phát triển cây cao su. Hiện tại, rất nhiều hộ đã bỏ hẳn việc chăm sóc diện tích cao su của mình vì nghĩ rằng thời điểm cao su mất trắng đã rất gần, nên chăm sóc chỉ thêm mất công.

Theo ông Nguyễn Bá Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, đến thời điểm này đã có 7,56 ha cao su của 5 hộ dân trên địa bàn bị ngập bởi thủy điện. Đối chiếu với bản đồ ngập nước của lòng hồ, toàn xã sẽ có 57,97ha cao su và 29,51ha rừng trồng của 87 hộ dân bị thủy điện “nuốt chửng”. Chỉ tính riêng cây cao su, người dân đã bị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Trước tình hình trên, UBND xã Phong Sơn đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Phong Điền và Phòng NNPTNT huyện có hướng giải quyết thiệt hại cho người dân.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của NTNN, nguyên nhân khiến lượng lớn diện tích cao su và rừng trồng của người dân xã Phong Sơn đã và sẽ bị xóa sổ dưới lòng hồ Thủy điện Hương Điền là hậu quả của việc quy hoạch chồng chéo. Việc đo đạc và vẽ bản đồ cho Dự án Thủy điện Hương Điền và đất trồng cao su, trồng rừng của người dân Phong Sơn đều do Trung tâm Kỹ thuật của Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện.

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Giám đốc trung tâm này, việc lập bản đồ địa chính của Dự án Thủy điện Hương Điền được tiến hành vào giữa năm 2005, còn bản đồ đất trồng cao su được hoàn tất năm 2006. Khi đo đạc đất cao su (bị trùng vào đất thủy điện), do không thấy mốc hay dây cắm của thủy điện nên trung tâm tiến hành làm. Ông Minh cho rằng, việc Thủy điện Hương Điền không tăng dày cột mốc trên phần đất của mình khiến người dân và các tổ chức khác không thể nhận biết.

Theo ông Nguyễn Văn Cho, ngoài bất ổn trong khâu cắm mốc, việc thủy điện không tuân thủ triệt để công tác vệ sinh lòng hồ cũng là nguyên nhân khiến một diện tích lớn cao su và rừng trồng “dính” vào đất thủy điện. Cụ thể, nếu thủy điện làm kỹ vệ sinh lòng hồ sẽ phát hiện cao su và rừng của dân nằm trong lòng hồ và sự việc sẽ không có hậu quả như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, người dân Phong Sơn đã trồng cao su ở diện tích đất nêu trên từ tháng 4.2005, còn Thuỷ điện Hương Điền được cấp giấy phép xây dựng sau đó một tháng.

Trong quá trình triển khai, phía thủy điện cho biết sẽ giao tim mốc phân định ranh giới vào năm 2005 nhưng đến năm 2007 mới giao xong 40 mốc và chỉ giao trên giấy. Vào năm 2010 và tháng 6.2011, đoàn làm việc của UBND huyện Phong Điền đã đi thực địa để tìm mốc phân định ranh giới, nhưng tìm đỏ mắt vẫn không thấy mốc nào của thủy điện.