Tuyển thủ Xuân Trường được cho là tiếp tục thi đấu thành công trong đội hình… dự bị của CLB Incheon United tại giải R.League ở Hàn Quốc khi anh có đường chuyền thành bàn giúp đội nhà hòa Seoul E-Land 1-1. Anh là một trong ba cầu thủ của HAGL ra nước ngoài thi đấu trong thời gian qua, trong đó Công Phượng và Tuấn Anh thì sang Nhật Bản. Đến thời điểm này, mọi sự háo hức chờ đợi sự tỏa sáng của ba ngôi sao HAGL ở nước ngoài dường như không còn, bởi từ khi sang câu lạc bộ mới đến nay họ chưa một lần được đá trong đội hình chính thức.
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường mất hút khi xuất ngoại.
R.League là giải đấu dành cho các cầu thủ dự bị của các câu lạc bộ đang chơi ở giải nhà nghề K.League, Hàn Quốc. Giải này lập ra dành cho các cầu thủ dự bị có sân chơi, rèn luyện tốt sẽ được các CLB xem xét đưa lên đội hình chính. Những cầu thủ thi đấu ấn tượng chắc chắn sẽ lọt vào tầm ngắm của HLV trong việc sắp xếp đội hình. Vì vậy, nếu tiếp tục cố gắng thì Xuân Trường có thể cạnh tranh suất vào đội hình chính thức của Incheon. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng trình độ giữa đội hình dự bị và chính thức của các CLB là có khoảng chênh lệch không nhỏ, nên muốn cạnh tranh đòi hỏi phải có sự nỗ lực bền bỉ. Ở Nhật Bản, Công Phượng và Tuấn Anh gần như chưa để lại dấu ấn gì. Tuấn Anh cho đến nay mới được ra sân 70 phút trong trận cầu giao hữu, trong khi Công Phượng sau thời gian chấn thương đến giờ vẫn chưa chắc có suất trong đội hình chính.
Bóng đá Việt Nam đã từng có những cầu thủ ra nước ngoài thi đấu và để lại ấn tượng không nhỏ. Năm 2001 đánh dấu lần đầu tiên một tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại, đó là tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Khi đó, Huỳnh Đức đang thi đấu cho đội Ngân hàng Đông Á, sang thi đấu cho CLB Lifan chơi ở giải nhà nghề Trung Quốc với hợp đồng 4 tháng. Dù thời gian khá ngắn, nhưng Huỳnh Đức sang chơi trong đội hình chính thức, thường xuyên ra sân với vị trí sở trường ở giải vô địch Trung Quốc.
Sau anh, đến lượt nhiều cầu thủ khác như Lương Trung Tuấn, Việt Thắng, Hữu Thắng… sang chơi hoặc thử việc ở một số CLB của Thái Lan, Mỹ, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, chỉ đến khi Lê Công Vinh sang chơi cho CLB Leixoes SC của Bồ Đào Nha vào năm 2009 mới thực sự để lại dấu ấn. Mặc dù Công Vinh đến với giải vô địch Bồ Đào Nha một phần nhờ mối quan hệ của HLV Calisto, nhưng anh thực sự thi đấu tốt nên được HLV của Leixoes thường xuyên sử dụng. Công Vinh đã ghi được 3 bàn thắng trong thời gian thi đấu cho câu lạc bộ này, một con số không mong gì hơn đối với cầu thủ Việt Nam sang chơi ở châu Âu. Tại thời điểm đó, khán giả Việt Nam luôn mong chờ những trận có Công Vinh ra sân để được chứng kiến khả năng hội nhập của cầu thủ này.
Giờ đây, ba cầu thủ của HAGL sang Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu chủ yếu cũng từ các mối quan hệ giữa các ông bầu. Tuy nhiên, dù Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được xem là những cầu thủ có kỹ thuật nhất hiện nay thì cũng chỉ được tập dự bị trong màu áo CLB mà họ đầu quân chứ không phải là những cầu thủ “không thể thiếu” như những tuyên bố ban đầu của hai bên. Điều này cho thấy trình độ cầu thủ nội hiện nay vẫn chưa thể bắt kịp những thế hệ vàng trước đây, có chăng là sự kỳ vọng quá lớn của nhiều người vào họ. Mong rằng những cầu thủ này tiếp tục phấn đấu bền bỉ để xứng đáng là những đại diện cho bóng đá Việt Nam gia nhập vào làng cầu khu vực.