Trong thời điểm mà công tác đào tạo trẻ luôn được nhắc đến như một hạn chế của bóng đá Việt Nam, thì HAGL và SLNA chính là hai điểm sáng hiếm hoi. Người ta bảo, giá như có thêm những Học viện HAGL-Arsenal JMG, những “lò” xứ Nghệ, thì chuyện bóng đá nước nhà qua mặt Thái Lan sẽ chẳng còn xa. Và thực tế, trong giai đoạn đầu tiên cầm quân, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng đặt chọn niềm tin vào quân SLNA và HAGL cộng với “phần còn lại”.
SLNA đã có trận thua “khó hiểu” trên sân Pleiku trước HAGL ở vòng 22 V.League 2015. Ảnh: I.T.
Nói thế để thấy ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nằm ngoài khuôn khổ của 1 đội bóng, một “lò” đào tạo mà HAGL, SLNA đang ghi dấu ấn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Vậy nhưng, tất cả sẽ trở nên lố bịch nếu cuộc đọ sức chiều 24.4 tới ở vòng 7 V.League 2016, họ không cho người hâm mộ, trong đó có khoảng hơn 3 nghìn CĐV xứ Nghệ đã hẹn hò, lên kế hoạch “phủ vàng” sân Pleiku cả tháng nay, thấy rằng mình… đá thật!
Những người đa nghi có lý do để nghi ngờ HAGL và SLNA không? Có! Mới cách đây hơn nửa năm thôi, ở vòng 22 V.League 2015, HAGL đang ở thế chạy đua trụ hạng đã được SLNA “cứu”. Thời điểm đó, chính CĐV xứ Nghệ đã vô cùng bức xúc đề nghị VFF vào cuộc điều tra trận đấu mà họ cho rằng “có mùi” giữa HAGL-SLNA trên sân Pleiku (SLNA thua khó hiểu 1-3). Bản thân ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA khi trả lời báo chí về vấn đề này cũng ngán ngẩm nói: “Người Nghệ An sống rất tình cảm, cầu thủ cũng vậy. Vì thương những đội bóng khó khăn nên đá không hết sức, khổ lắm” (?!).
Lúc này, sau 6 vòng đấu V.League 2016, cả HAGL và SLNA cùng được 7 điểm và xếp ở nửa dưới bảng tổng sắp. Họ kém đội đầu bảng Hải Phòng tới 11 điểm và chỉ hơn đội cuối bảng Đồng Tháp 4 điểm nhưng đá nhiều hơn 1 trận. Nói cách khác, tình thế của HAGL, SLNA lúc này chẳng “dễ thở” gì. Đội thua trong cuộc đọ sức cuối tuần này sẽ còn khó khăn hơn nữa. Và trên lý thuyết, sẽ chẳng có chuyện SLNA tiếp tục “thương người”. HAGL có muốn “trả nợ tình” có lẽ cũng chẳng phải lúc này vì sau trận đấu với SLNA, họ sẽ có 2 chuyến làm khách vô cùng khó khăn gặp Thanh Hóa (vòng 8), B.Bình Dương (vòng 9).
Nhưng câu chuyện tình cảm lại thường không xuất phát từ ý muốn của cả 11 cầu thủ trên sân, mà đội khi, chỉ cần vài vị trí bỗng nhiên đá dưới sức mình là mọi chuyện đã khác. Đến đây, không thể không nhắc tới câu chuyện cuối năm ngoái khi bầu Đức (HAGL) quyết định hỗ trợ trung vệ Quế Ngọc Hải 400 triệu đồng tiền chi phí chữa trị cho Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng)… Và giả thuyết, trong trường hợp Quế Ngọc Hải hay một cầu thủ nào đó của SLNA hoặc HAGL thi đấu dưới sức, dẫn đến những bàn thắng (bàn thua) “trời ơi”, thì liệu VFF, VPF, Ban tổ chức giải sẽ xử lý ra sao?
Cần nhớ, qua 6 vòng đấu V.League 2016, đã xuất hiện những dấu hiệu rất “khó hiểu” ở một vài trận đấu nhưng Ban tổ chức giải đều phớt lờ. Ví dụ như cách B.Bình Dương bất ngờ thi đấu sa sút để thua đội khách SLNA 1-2 ở vòng 4 (trước đó, SLNA trải qua chuỗi 2 trận thua, 1 hòa). Cũng ở vòng 4 V.League 2016, Hà Nội (hiện đã đổi tên thành Sài Gòn) bất ngờ thắng “người anh em” SHB.Đà Nẵng 3-0 trong trận chia tay khán giả Thủ đô!
Ở đây, rõ ràng VFF, VPF, Ban tổ chức giải vẫn… bó tay với bóng đá “tình cảm”. Nó khác hẳn với tuyên bố đanh thép của ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF trước thềm V.League 2016: “Đá không hết sức cũng là tiêu cực. Tôi đã bàn với Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường về chuyện này. Mùa giải 2016, những trường hợp thi đấu thiếu động lực khi đã trụ hạng hay đá giữ chân để đi tìm đội bóng mới… cũng sẽ bị xem xét, phạt “nguội”. Có thể mùa bóng đã kết thúc nhưng khi xem lại, có thể xử “treo giò” 5-10 trận ở mùa sau”.
Và phải chăng, điệp khúc “Hỏi V.League, tình là gì?” sẽ còn tiếp tục vang vọng mãi…?!